Ca khúc “Đèn khuya”: Nỗi nhớ thương mẹ da diết của người con tha hương
“Đèn khuya” là một trong những bản tuyệt phẩm viết về mẹ của nhạc sĩ Lam Phương, viết về nỗi nhớ thương da diết của ông dành cho người mẹ tảo tần, một mình nuôi ông khôn lớn.
CA KHÚC “ĐÈN KHUYA”
Tên các khúc: Đèn khuya
Nhạc sĩ sáng tác: Lam Phương
Năm phát thành: 1960
Ca sĩ trình bày tiêu biểu: Thanh Thúy, Túy Hồng,…
Hoàn cảnh ra đời ca khúc “Đèn khuya”
Bất kỳ ai yêu thích âm nhạc của Lam Phương thì đều biết ông có một tuổi thơ nghèo đói và bất hạnh. Nhà nghèo, cha ông bỏ đi theo người tình, để lại 6 người con thơ dại cho người vợ không nghề nghiệp ổn định. Để nuôi các con khôn lớn, mẹ nhạc sĩ Lam Phương phải lam lũ sớm hôm, dãi nắng dầm mưa.
“Tôi thương má lắm. Má tôi là một người đàn bà quê mùa nhưng mà thực lòng thương tôi lắm. Con trai lớn mà! Má chỉ nói một câu thế thôi mà tôi đã ráng làm muốn chết luôn”, nhạc sĩ Lam Phương xúc động kể lại. Cả tuổi thơ cơ cực của người nhạc sĩ tài hoa, mẹ chính là tia sáng, là niềm hy vọng, là động lực và cũng là người nuôi dưỡng cảm xúc, giúp ông viết nên những nhạc phẩm bất hủ để lại cho đời. Vì quá thương mẹ nên mỗi khi nhắc đến người phụ nữ tần tảo ấy, Lam Phương lại không ngăn được những giọt nước mắt tuôn rơi.
Ca khúc “Đèn khuya” được nhạc sĩ Lam Phương sáng tác vào năm 1960 (một số tài liệu ghi 1958) là một những ca khúc cảm động nhất, viết về nỗi nhớ thương da diết của một con phương xa khi nghĩ tới mẹ mình. Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn từng chia sẻ trong một chương trình rằng nhạc sĩ Lam Phương đã có cảm hứng sáng tác ca khúc này khi đang công tác ở miền Tây. Lúc đi ngang qua một căn nhà tranh, nhìn thấy thấp thoáng ánh đèn dầu, bên cạnh là một cụ già ngồi đan áo khiến ông chợt nhớ đến mẹ mình. Người mẹ lam lũ thường ngồi bên ngọn đèn khuya trong căn nhà nhỏ tồi tàn ở hẹn Vạn Chài, khu Đa Kao (Tân Định). Chính vì thế mà khi lắng nghe ca khúc này, người ta dễ dàng nhìn thấy nỗi buồn khắc khoải, cô độc nhưng cũng đong đầy tình thương mà nhạc sĩ Lam Phương dành cho người mẹ ông kính yêu, trân trọng. Đồng thời, phảng phất đâu đấy trong bài là một ý chí quyết tâm không đầu hàng số phận, để cho mẹ một cuộc sống sung túc, đủ đầy.
Khi vừa ra mắt, bài hát đã nhanh chóng chiếm được cảm trình của giới mộ điệu. Qua giọng hát truyền cảm của danh ca Thanh Thúy, ca khúc “Đèn khuya” của nhạc sĩ Lam Phương đã nằm trong top 10 bản nhạc được ưa chuộng nhất vào đầu thập niên 1960. Ngoài thành công của Thanh Thúy, bài hát này cũng đã góp phần giúp các ca sĩ trình bày thâm phần vang danh tên tuổi, trong đó có nữ ca kịch sĩ Túy Hồng, người vợ đầu tiên của nhạc sĩ Lam Phương.
Đôi lời bình phẩm ca khúc “Đèn khuya”
Không biết đêm nay vì sao tôi buồn
Buồn vì trời mưa hay bão trong tim?
Đã mấy thu qua tôi vẫn đi tìm
Để rồi… buồn ơi! nghe tiếng mưa đêm.
Mưa thường đem đến cho con người ta cảm xúc buồn, nhất là khi nghe tiếng mưa đêm tí tách rơi bên thềm. Nỗi buồn vẩn vơ xuất hiện khiến chính người buồn cũng không hiểu “vì sao tôi buồn”, đó là do “trời mưa” hay là do “bão trong tim”. Có lẽ là vì cả hai, vì nỗi tâm sự trong lòng đang chất chứa, những giọt mưa rơi xuống càng khiến nỗi ưu tư trong lòng tràn ngập, da diết.
Khi bước chân đi lần trong cuộc đời
Lời mẹ hiền ru con nhớ khôn nguôi
Khi lớn con đi trên vạn nẻo đời
Đừng buồn khi lúc tay còn trắng taỵ
Đi xa gầy dựng sự nghiệp, trong tiếng mưa đêm cô quạnh nhớ quê nhà, điều làm chàng trai day dứt khôn nguôi chính là lời ru, là hình bóng, là tình thương của người mẹ hiền. Khắp đất trời, chỉ có mẹ là người luôn yêu thương, lo lắng cho con. Cả đời mẹ lúc nào cũng mong con được vui, luôn an ủi kề cạnh mỗi khi con khó khăn. “Đừng buồn khi lúc tay còn trắng tay”, lời động viên của mẹ là hành trang, là động lực để con cố gắng gầy dựng nghiệp.
Mưa ơi! Mưa ơi! Còn nhớ thương hoài
Nhớ khi mẹ lo sớm chiều,
Nhớ nụ cười khi nâng niu
Đôi tay run run ánh mắt dịu hiền
Biết tìm lại chốn nào
Mẹ ơi biết chăng! Đêm về quạnh hiu.
Các cung trầm của bản nhạc như dàn trải tâm tư của đứa con xa nhà, gửi tâm sự theo tiếng mưa, dãi bày nỗi nhớ thương cùng mưa cho vơi bớt nỗi buồn trong những ngày xa quê, xa vòng tay yêu thương ấm áp của mẹ. “Mẹ ơi mẹ biết chăng”, tiếng gọi xé lòng trong đêm khuya hiu quạnh… mẹ có biết rằng còn nhớ mẹ lắm, nhớ những ngày cực khổ lo toan, nhớ nụ cười hiền của mẹ, nhớ ánh mắt yêu thương, nhớ đôi tay run run,… con nhớ tất cả, nhớ nhiều lắm, nhiều lắm. Nhưng giờ ở nơi phương trời xa xôi này, con biết ở đầu tìm mẹ, tìm lại hơi ấm của thuở xa xưa.
Nghe tiếng mưa rơi mà nhớ thương nhiều
Đường về đèn khuya in bóng cô liêu
Ai biết đêm nay tôi vẫn mong chờ.
Tìm lại những phút vui ngày ấu thơ.
“Đường về đèn khuya in bóng cô liu” có lẽ là câu hay nhất, đắt giá nhất trong bản nhạc của Lam Phương, mang tâm trạng của người con vất vả, buôn ba trên những con đường khuya của đèn phố để mưu sinh. Ánh đèn khuya rọi xuống khiến kẻ tha phương chìm vào nỗi cô đơn, hiu quạnh.
Khi lắng nghe ca khúc “Đèn khuya” của nhạc sĩ Lam Phương, chắn hẳn những người con, đặc biệt là những người xa xứ sẽ dễ cảm thấy đồng cảm, chạnh lòng khi nghĩ đến người mẹ lam lũ, tảo tần nuôi mình khôn lớn.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận