Ca khúc “Buồn chi em ơi”: Tiếng lòng của muôn người thời ly loạn

“Buồn chi em ơi” là ca khúc được nhạc sĩ Lam Phương sáng tác vào cuối thập niên 1950. Đây là một trong những bản nhạc vàng đầu tiên của nhạc Việt và rất được yêu thích qua tiếng hát của Hoàng Oanh.

Diệu Nguyễn
08:00 12/09/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

CA KHÚC “BUỒN CHI EM ƠI”

  • Tên các khúc: Buồn chi em ơi

  • Nhạc sĩ: Lam Phương

  • Năm phát thành: 1958-1959

  • Ca sĩ trình bày tiêu biểu: Hoàng Oanh

Hoàn cảnh ra đời ca khúc “Buồn chi em ơi”

“Buồn chi em ơi” là nhạc phẩm được nhạc sĩ Lam Phương sáng tác trong thời gian hoạt động ở quân ngũ, khoảng chừng năm 1958 – 1959 và có thể xem là một trong những bản nhạc vàng đầu tiên.

Nhạc sĩ Lam Phương sáng tác ca khúc này để nói về tình người lính chiến trong lúc quốc gia hữu sự. Chàng trai chấp nhận gian nguy để làm tròn nghĩa vụ thời chiến loạn với một niềm tin mãnh liệt sẽ có một ngày trở về quê hương trong tiếng cười sum họp. Và chàng trai cũng hy vọng, những người ở hậu phương cũng vui vẻ chờ mong.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-buon-chi-em-oi-cua-nhac-si-lam-phuong (1)
Bìa ca khúc "Buồn chi em ơi" của nhạc sĩ Lam Phương

Đối với nhiều khán giả, ca khúc “Buồn chi em ơi” dường như được nhạc sĩ Lam Phương sáng tác riêng cho tiếng hát của danh ca Hoàng Oanh. Bởi phần đầu bài hát có một đoạn ngâm thơ và người ngâm thơ đạt nhất, hay nhất trong lòng phần lớn công chúng chỉ có ca sĩ Hoàng Oanh. Hơn nữa, giọng hát tình cảm, thiết tha của cô cũng đem được trọn vẹn cái tình vào bài hát, lúc thì chia phôi buồn bã, lúc lại mơ ngày sum họp rộn ràng.

Đôi lời bình phẩm về ca khúc “Buồn chi em ơi”

(Ngâm thơ:

Đêm nay nữa là bao ngày xa cách

Mà lời nguyền còn văng vẳng đâu đây

Nhớ hôm nao hẹn ước dưới trăng đầy

Trông khóe mắt long lanh, anh khẽ bảo)

Sầu mà chi em lúc non sông cần trai hùng

Buồn mà chi em mai anh về trong nắng êm

Đừng vì chia ly làm nản chí nam nhi

Vui lên đi cùng ước thề, rồi ngày mai anh sẽ về

Mở đầu bài hát của Lam Phương là lời an ủi, vỗ về của chàng chinh nhân đối với người yêu trước lúc chia xa. Vì thế mà giai điệu của đoạn nhạc này cũng nhẹ nhàng, êm đềm như lời thì thầm bên tai, căn dặn người yêu đừng buồn, ngày mai khi nắng lên anh sẽ trở về. Nỗi buồn chia ly này tuy đau xót nhưng không sờn được chí nam nhi.

Em ơi! Anh đi vì nước non mình đợi chờ

Muôn quân đang reo lửa khói tung ngập màu cờ

Thân trai ra đi nợ nước đôi vai gánh nặng

Buồn chi cách xa vì ngày vui sẽ không xa

Hôm nay anh đi vì muốn duyên mình đẹp màu

Bao năm chia ly là mấy trong vạn ngày sầu

Vui lên đi em rượu tiễn sao không uống cạn

Để anh bước đi cho phỉ chí mộng làm trai

Từ bao đời nay, đôi vai của nam nhi lúc nào cũng nặng gánh non sông đất nước. Ngoài kia, đất nước đang cần, đồng đội đang đợi, anh phải đi thôi. Hôm nay anh đi, em đừng buồn, hãy vui cười tiễn anh bởi anh tin rằng, mình ra đi là để một ngày vinh hiển trở về, ngày đó anh sẽ cùng em vẽ tô hạnh phúc. Cuộc chia ly này chưa biết sẽ trải qua bao nhiêu ngày sầu, nhưng xin em hãy vui lên để nỗi sầu đưa tiễn không làm nặng lòng chí nam nhi. Phận làm trai anh quyết ra đi một phen cho phỉ chí tang bồng.

Một thời gian qua nước non vui niềm thái hòa

Trời Việt âu ca Xuân qua thềm mơn cánh hoa

Vạn niềm thương yêu còn chờ phút sum vầy

Em xin dâng ngàn tiếng cười tặng người anh yêu suốt đời

Đoạn cuối bài hát Lam Phương đã vẽ nên bức tranh mơ ước của muôn người trong thời ly loạn, đó là muốn được nhìn thấy non sông đất nước thái bình, không còn khói lửa chiến tranh. Ngày ấy đến, cũng là ngày anh trở về sum họp cùng em, mình cùng nhau hát khúc hoan ca yêu đời.

Xem thêm: “Chiều hành quân” của Lam Phương: Chiều buồn ôm mộng tương tư

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận