Đoạn phỏng vấn năm 1995: Chuyện lòng nhạc sĩ Khánh Băng

Nhạc sĩ Khánh Băng là một trong những “cây đại thụ” của dòng nhạc vàng với rất nhiều ca khúc bất tử như “Vườn tao ngộ”, “Sầu đông”, “Nếu một ngày”, “Vọng ngày xanh”,…

Diệu Nguyễn
12:00 11/07/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

Nhạc sĩ Khánh Băng là người rất kín tiếng, ít khi trải lòng về cuộc đời. Dưới đây là đoạn phỏng vấn hiếm hoi được ông thực hiện vào năm 1995 với những giai thoại hiếm người biết được.

Ông chính thức bước vào lĩnh vực ca nhạc từ lúc nào?

Từ nhỏ tôi đã yêu thích âm nhạc nên tự mày mò luyện đàn Mandolin. Từ năm 1948, lúc 14 tuổi, tôi đã tập tành sáng tác. Sau khi viết xong bản nhạc nào, tôi liền gửi lên Sài Gòn cho anh Võ Đức Thu xem. Tôi quen anh Võ Đức Thu qua sự giới thiệu của người bạn Võ Đức Hảo, là em trai của anh Võ Đức Thu. Sau khi sửa chữa những chỗ sai sót trong bài hát, anh còn tận tâm ghi chú thêm những luật lệ về sáng tác, rồi mới đem gửi trả về Vũng Tàu cho tôi bằng những bao thư có dán tem sẵn. Nhờ lối học hàm thụ cùng sự chỉ dẫn, khuyến khích từ anh Võ Đức Thu mà tôi đã tiến bộ rất nhiều trong sáng tác.

Doan-phong-van-nam-1995-chuyen-long-nhac-si-Khanh-Bang (1)
Nhạc sĩ Khánh Băng với vai trò nhạc công trong ban Thời Đại

Tôi bắt đầu có được chút tiếng tăm kể từ lúc lên Sài Gòn học trung học ở trường Huỳnh Khương Ninh - Đa Kao và năm 1949. Khi ấy, tôi cùng Vân Hùng, Tùng Lâm,… thành lập một nhóm thanh thiếu niên yêu thích văn nghệ, thường xuyên tập dượt với nhau để phục vụ đám cưới miễn phí ở khu vực Tân Định. Tôi chuyên biểu diễn đàn mandolin. Cũng nhờ cây đàn 8 dây này mà năm 1954, tôi thi đậu vào làm nhạc công trong Đài Phát thanh Sài Gòn. Nhưng một thời gian sau tôi nhận thấy đàn Mandolin không thể phát huy tối đa bằng cây đàn guitar, thế là tôi bắt đầu khổ luyện thêm đàn guitar từ năm 1953 đến năm 1954 theo phương pháp methos Caroly.

Một thời gian sau, Tùng Lâm lại tiến cử tôi với nhạc sĩ Trần Văn Trạch, thế là tôi được chơi đàn ở đoàn Sầm Giang và Đài Pháp Á. Từ năm 1955 đến năm 1959 tôi xuất hiện thường xuyên trên các sân khấu Đại Nhạc Hội và phụ diễn ca nhạc với tiết mục độc tấu guitar thùng. Đến năm 1960 tôi chuyển qua chơi guitar điện và biểu diễn hàng đêm tại các phòng trà ca nhạc do tôi làm chủ trong khu Thị Nghè. Tôi cũng chính là người Việt Nam đầu tiên sử dụng guitar điện trên sân khấu Sài Gòn khi ấy.

Trong lĩnh vực sáng tác ông có bao nhiêu tác phẩm?

Tôi sáng tác nhiều nên không nhớ được hết những bản nhạc của mình. 500 thì quá ít mà 1000 thì lại hơi nhiều. Tôi sáng tác từ thời còn mặc quần cộc nên cũng chẳng nhớ được nhạc phẩm đầu tay là bài nào. Có điều, tôi không bao giờ quên là vào ngày 15/3/1955, trên Đài Phát thanh Sài Gòn lần đầu bài hát của tôi được phát sóng, đó là bài “Nụ cười thơ ngây” do Minh Trang và Anh Ngọc song ca. Còn thành danh là nhờ bài Vọng ngày xanh được viết năm 1956. Bài hát này của tôi được nữ văn sĩ Francoise Sagan viết lời Pháp. Và cũng chính nhờ nó mà tôi được Hội Tác quyền Thế giới mời gia nhập.

Thời đó, người ta gọi thể loại nhạc mà ông sáng tác là “kích động nhạc”, ông có thể nói rõ về thể loại nhạc này không?

Doan-phong-van-nam-1995-chuyen-long-nhac-si-Khanh-Bang (2)
Ca khúc "Sầu đông" thuộc thể loại "kích động nhạc" của nhạc sĩ Khánh Băng

Nghe tên trông oai vậy thôi, chứ thật ra chẳng có gì ghê gớm cả. “Kích động nhạc” chẳng qua là một cách gọi để chỉ những ca khúc có tiết tấu nhanh, sôi động. Trước tôi cũng có nhiều nhạc sĩ sáng tác thể loại này như Lê Yên với bài “Ngựa phi đường xa”, Y Vân với bài “Sài Gòn đẹp lắm”... Tuy nhiên, những bài hát như “Sầu đông”, “Có nhớ đêm nào”, “Tiếng mưa rơi” do tôi sáng tác vào khoảng năm 1962 vẫn được coi là những bài nhạc trẻ đầu tiên ở Việt Nam. Mà tôi đâu chỉ viết nhạc kích động, tôi còn viết nhạc trữ tình dưới các bút danh khác như Anh Minh, Nhật Hà... Từ năm 1991 - 1996, trước khi mắt bị mờ do ảnh hưởng của bệnh tiểu đường, tôi vẫn còn sáng tác được hơn 100 ca khúc, trong đó có những bài hát phổ biến như “Trên nhịp cầu tre”, “Chờ người”, “Chiều đồng quê”... đều là những bài mang phong cách nhạc đồng quê Nam Bộ.

Ông có thể tiết lộ thêm về cô Khanh và cô Băng, hai người mà ông đã mượn tên làm nghệ danh không?

Khanh và Băng chỉ là những người bạn, những ấn tượng đẹp đầu đời của tôi. Thuở ấy chúng tôi còn bé xíu. Cô Băng giờ đang dưỡng lão ở Vũng Tàu, còn cô Khanh thì biệt tích từ lâu rồi. Mới đó mà mùa đông đã về với chúng tôi rồi, nhanh thật. Chiều nay gió đông về, dừng chân trên bến xưa...

Xem thêm: Top 5 ca khúc hay nhất của nhạc sĩ Khánh Băng

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận