Chuyện tình Dương Thiệu Tước – Minh Trang [P1]: Kết mối duyên nồng nơi xứ Huế

Nhắc đến nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, ngoài những nốt trầm bổng của cung đàn, còn có những mối tình như họa với các bóng hồng, khiến người đời ngưỡng mộ. Trong đó, mối lương duyên với nữ danh ca Minh Trang là câu chuyện tình đẹp, được giới văn nghệ sĩ hết lời ca tụng.

Diệu Nguyễn
09:50 21/09/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

Trong cuốn sách “Chuyện tình các nhạc sĩ tiền chiến” xuất bản năm 1996, nhạc sĩ Lê Hoàng Long đã kể lại những kỷ niệm, câu chuyện về những mối tình “khắc cốt ghi tâm” của các nhạc sĩ nổi danh thời ấy. Trong đó có nhắc đến nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và nữ ca sĩ Minh Trang. Bài viết được ông đặt tựa là “Vầng trăng bến ngự”, nói về duyên gặp gỡ, cuộc sống tình yêu và hôn nhân tràn ngập lãng mạn của cặp đôi nghệ sĩ “trai tài gái sắc”.

Dưới đây là nội dung bài viết được trích dẫn trong sách:

Trong lòng tôi, cố nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là bậc lão tiền bối rất đáng tôn kính. Ông sinh năm 1915, người làng Vân Đình, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông. Ông là cháu nội cụ Dương Khuê, một thi hào khoa bảng, có tên trong văn học sử Việt Nam. Ông hơn tôi ngót hai chục tuổi, lẽ ra tôi phải xưng hô chú cháu, nhưng ông chủ trương văn nghệ sĩ không tính tuổi nên tôi được phép gọi ông bằng anh.

Trong làng nhạc Việt, ông là một trong sốt vài nhạc sĩ tiên phong, mở đầu cho sáng tác tân nhạc. Vào thập niên 20, nhân dân ta chỉ thuộc lòng những bài hát pháp qua những đĩa hát chạy bằng kim và lên dây cót, với giọng ca của nam danh ca Tino Rossi. Còn nhạc Việt, được gọi là nhạc cải cách chưa có bài nào hay, phổ biến quá hạn chế nên ít được ưa chuộng và thịnh hành. Vào những năm ấy, một bài nhạc được in ra mỗi lần chừng vài trăm bản, bày bán ở Hà Nội, còn các tỉnh thì có rất ít, có tình không bày bán nữa. Thời khai sơn phá thạch này, ngoài nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, ta cũng chỉ thấy vỏn vẹn có mấy nhạc sĩ như Thẩm Oánh, Văn Chung, Dzoãn Mẫn, Nguyễn Xuân Khoát,… Tuy nhiên, với Dương Thiệu Tước, lúc ấy người ta chỉ được biết ông là chủ một tiệm bán đàn ở phố hàng Gai, Hà Nội, người biết ông là một nhạc sĩ quá ít ỏi. Lúc ấy, ông đã có vợ và 2 con. Hai cô con gái lớn của ông thời ấy là những đóa hoa hương sắc của Hà Thành, được rất nhiều người biết đến. Dưới chế độ phong kiến và pháp thuộc, nhân dân ta nặng đầu óc khoa bảng nên khi kén chồng cho con thì đa số các cụ vẫn chủ trương “phi cao bất đẳng thành thu phụ”, giới văn nghệ sĩ bị coi thường vì thế giới lao động nghệ thuật bị người đời coi bằng nửa con mắt. Dù biết rõ như vậy, nhưng đa số nhạc sĩ tiên phong vẫn kiên trì, không hề nản chí, đó thật sự là một điều rất đáng ca ngợi.

Ngày xưa, Vua Lê Thánh Tông tôn trọng văn học, thích thơ phú nên đã lập ra văn đàn Nhịp thập bát tú. Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước noi gương tiền nhân, đứng ra quy tụ anh em nhạc sĩ tiên phong để cùng tự học rồi sáng tác. Ông đứng ra lo việc in ấn, phát hành. Sau đó, ông cùng với nhạc sĩ Thẩm Oánh tiến hành một phong trào khuyến nhạc để rồi về sau chúng ta có được hội khuyến nhạc Hà Nội.

chuyen-tinh-nhac-si-duong-thieu-tuoc-va-ca-si-minh-trang (3)
Chân dung ca sĩ Minh Trang và nhạc sĩ Dương Thiệu Tước

Đến đầu thập niên 40, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước rời Hà Nội để vào Huế, rồi sau đó vô Sài Gòn. Là một người có tâm hồn nghệ sĩ, lãng mạn, Dương Thiệu Tước đã say mê cảnh và người nơi đây. Dù mới chân ướt chân ráo, chỉ sau một vài ngày, nhạc sĩ đã có được một số bạn ca nhạc sĩ của kinh đô cổ kính. Chiều chiều anh lại cùng bạn hữu chèo thuyền, nhẹ nhàng và chậm rãi lướt trên dòng Hương Giang êm đềm, ngược lên chùa Thiên Mụ. Tiếng chuông lúc thu không thể làm cho Dương Thiệu Tước trầm xuống. Rồi đến một hôm, như gặp được lương duyên tiền định, Dương Thiệu Tước đã gặp và quen Minh Trang – một ca sĩ được đa số dân chúng miền Trung biết đến. Minh Trang là một nữ sinh theo học chương trình Pháp nên trình độ Pháp văn rất vững. Cô có giọng Pháp rất lưu loát và đúng là người pháp của Thủ đô Ba Lê (Parisienne). Chính vì thế sau này cô đã là xướng ngôn viên phần phát thanh Pháp ngữ của các đài phát thanh Quốc gia và đài phát thanh Pháp Á vào thập niên 1950. Cô là ca sĩ duy nhất có trình độ nhạc lý rất vững vàng, xướng âm rất chuẩn xác, đưa bất cứ bài nhạc mới nào, nhìn lần đầu cô sẽ hát đúng điệu vào đúng nhịp ngay nên anh chị em ca nhạc sĩ rất mến phục. Minh Trang không đẹp nhưng ăn nói nhỏ nhẹ, có duyên, tuy giỏi nhưng rất nhũn nhặn và rất phục thiện nên được lòng mọi người lắm.

Khi quen nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, Minh Trang rất trọng tài và mến nết, yêu dáng văn nhân nho nhã nhưng vẫn phảng phất nét hào hoa nghệ sĩ của chàng nhạc sĩ Bắc Hà. Từ bước mến mộ đầu tiên ấy đến tình yêu chỉ còn là gang tấc.

Hai người dìu nhau vào cuộc tình thật là thơ mộng. Có những chiều cặp tình nhân nghệ sĩ này sánh vai nhau, chậm rãi từng bước theo dọc dòng Hương Giang nước chảy lững lờ, làn gió nhẹ thổi làm tà áo Minh Trang phất phơ bay, làm cho mái tóc bồng bềnh của Dương Thiệu Tước tung lên, hạ xuống như những đợt sóng nhẹ. Họ cùng nhau tâm tình, thủ thỉ. Những buổi mưa rơi trên xứ Huế, hai người vẫn gặp nhau rồi ngồi trong quán nước gần bến Vân Lâu, vai tựa mái kề, sưởi ấm lòng nhau, bốn mắt nhìn màn mưa giăng kiến cảnh vật càng lúc càng tiêu điều, buồn bã.

Có những đêm trăng vàng tỏa sáng xuống dòng Hương Giang, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước cùng Minh Trang mời một số bạn văn nghệ, thuê thuyền neo giữa dòng sông để ca hát, ngâm thơ. Với những đêm thơ mộng này, Dương Thiệu Tước đã thả hồn trong tiếng đàn hạ uy cầm lả lướt, trôi nổi với làn sóng gợn của sông Hương. Minh Trang cũng cất tiếng ca hát lên những điệu hò buồn lắng làm mọi người nín thở để tận hưởng âm thanh, cung bậc của quê hương qua giọng ca thật chải chuốt, đậm nét trữ tình.

chuyen-tinh-nhac-si-duong-thieu-tuoc-va-ca-si-minh-trang (4)
Ca khúc "Tiếng xưa" được nhạc sĩ Dương Thiệu Tước sáng tác trong khoảng thời gian yêu Minh Trang

Những ngày chủ nhật, Minh Trang và Dương Thiệu Tước dành hoàn toàn thời gian của mình cho những cuộc đi thăm lăng tẩm. Theo Dương Thiệu Tước đây là những giờ phút ông được thả hồn tự do phơi phới với thiên nhiên và tâm hồn hoài cổ. Dương Thiệu Tước là con người được giáo dục bởi một gia đình khoa bảng, nho phong nên ông rất mến, rất trọng và rất hoài cổ. Có lần người nói chuyện về Huế, Dương Thiệu Tước, Minh Trang và tôi đã cùng gặp nhau mộ ý: Mến và thích lăng Tự Đức hơn lăng Khải Định. Lăng Tự Đức là một công trình kiến trúc hoàn toàn ngày xưa, xứng đáng là một di tích lịch sử. Còn Lăng Khải Định mang nặng phong cách châu Âu, đúng là kiến trúc… lai căng.

Càng ngày, với Minh Trang và Dương Thiệu Tước duyên càng thắm, tình càng nồng. Hai tâm hồn trí thức lại nghệ sĩ, dìu nhau vào cuộc tình thật thần tiên và lý tưởng. Có điều, đáng nói ở đây là Dương Thiệu Tước không yêu Minh Trang vì sắc, vì ngoại hình của cô không đẹp để dễ hớp hồn người khác, Dương Thiệu Tước yêu Minh Trang là yêu tâm hồn và cái duyên dáng. Yêu như thế tình yêu mới lâu bền, chứ yêu sắc thì bông hoa nào dù có hương sắc vẹn toàn thì cũng sớm nở tối cũng phải tàn thôi, người phụ nữ cũng vậy. Chỉ có tâm hồn và tính nết mới sống mãi.

Thời gian dừng chân ở Huế, được tình nồng ấp ủ, Dương Thiệu Tước sưu tầm và ký âm được rất nhiều điệu dân ca của miền Trung. Dương Thiệu Tước đã có được một cái vốn về dân ca miền Thùy Dương rất phong phú. Chính vì thế mà khi viết nhạc, ông viết được thật đúng và thật đầy đủ để bất cứ ai đàn đúng bài là nghe thấy rõ điệu hát có âm hưởng dân tộc, không như Ph.D viết nhạc dân ca, khi đàn hát lên phải thêm láy, thêm lượn thì mới nghe thấy đúng âm hưởng nhạc cổ truyền của dân tộc. Nhưng điệu hò mái nhất, hò mái nhì, hò mái đẩy, hò giã gạo, nam bình, nam ai,… đều được Minh Trang hát rất hay, rất đúng để Dương Thiệu Tước ký âm nên rất chính xác và đầy đủ. Tình yêu nở rộ trong vườn nghệ thuật thật là tuyệt diệu. Chính trong khoảng thời gian này nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã có một vài sáng tác trữ tình, âm hưởng dân tộc có giá trị, trong đó có bài “Tiếng xưa” là hay nhất, mở đầu cho những sáng tác sau này. Suốt bao năm qua, bước vào địa hạt sáng tác, Dương Thiệu Tước chưa có lấy một bài nhạc nào hay để mọi người mến mộ, nhớ đến. Đến thời điểm này, không ai dám phủ nhận rằng cuộc tình thơ mộng nghệ sĩ, tâm đầu ý hợp với Minh Trang mà Dương Thiệu Tước mới có “Tiếng xưa” nổi tiếng. Bóng dáng Minh Trang đã ngự trị tâm hồn Dương Thiệu Tước, để từ đó ông có được nhạc hứng chân thành, nếu không vậy thì tác phẩm làm sao có hồn, đi vào lòng người, để người mến mộ.

Xem thêm: Chuyện tình Dương Thiệu Tước – Minh Trang [P2]: Uyên ương rẽ lối, tình như mây khói

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận