Chuyện tình nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và ca sĩ Minh Trang: Nên duyên bằng tiếng hát, vỡ tan vì thời cuộc

Trong làng nhạc Việt Nam, chuyện tình của đôi “trai tài, gái sắc” Dương Thiệu Tước và Minh Trang được xem là câu chuyện tình đẹp, được nhiều người ngưỡng mộ.

Diệu Nguyễn
17:32 26/06/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

Đôi nét về nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và ca sĩ Minh Trang

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước sinh năm 1915 tại làng Vân Đình, Ứng Hòa (Hà Tây cũ, nay thuộc về Hà Nội). Ông xuất thân trong một gia đình Nho học, từ nhỏ đã bộc lộ tài năng xuất chúng về âm nhạc.

Trong thập niên 1930, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước gia nhập nhóm nghệ sĩ tài tử Myosotis (Hoa lưu ly) gồm các nhạc sĩ Thẩm Oánh, Lê Yên, Vũ Khánh… Tại đây, ông đã sáng kiến ra kiểu soạn nhạc bài Tây theo điệu ta và cho ra đời hàng loạt ca khúc hay, được công chúng vô cùng yêu thích như “Kiếp hoa”, “Áng mây chiều”, “Xuân tươi”, “Thuyền mơ”,…

chuyen-tinh-nhac-si-duong-thieu-tuoc-va-ca-si-minh-trang (2)
Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước thời trẻ

Năm 1934, theo lời gia đình, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước kết hôn với bà Lương Thị Thuần, cũng xuất thân từ dòng họ khoa bảng. Cả hai có với nhau 5 người con. Cuộc hôn nhân của cả hai không mấy mặn nồng, chung sống hơn 10 năm thì đường ai nấy đi.

Ca sĩ Minh Trang tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Trâm, sinh năm 1921 ở Bến Ngự (Huế), là con gái của quan Tổng đốc Bình Định Nguyễn, cháu ngoại của công chúa Mỹ Lương (còn gọi là Bà Chúa Nhứt) – chị ruột vua Thành Thái. Từ nhỏ Minh Trang đã gần gũi với bên ngoại, nên những âm thanh ca Huế cứ thế thấm nhuần vào tâm hồn, lẫn giọng hát của bà. Khi lên 7 tuổi, Minh Trang đã thuộc lòng những bài ca cổ, ca Huế như những khúc Nam Ai, Nam Bình, Kim Tiền, Lưu Thủy,…

chuyen-tinh-nhac-si-duong-thieu-tuoc-va-ca-si-minh-trang (1)
Ca sĩ Minh Trang thời trẻ

Người chồng đầu của ca sĩ Minh Trang là cụ Ưng Quả, một học giả uyên bác được giới khảo cứu Việt học của Pháp vô cùng kính trọng. Cưới nhau được 3 năm, cả hai có với nhau hai người con là Bửu Minh và Đoan Trang (ca sĩ Quỳnh Giao). Sau này nghệ danh “Minh Trang” của bà được ghép từ tên của hai người con. Vì tình hình đất nước loạn lạc, năm 1946 cả hai bị chia cắt nhau. Ban đầu là tạm thời, nhưng về sau là mãi mãi vì cụ Ưng Quả qua đời vì bạo bệnh.

Ca sĩ Minh Trang khi ấy đã dẫn theo 2 con vào Sài Gòn lập nghiệp. Ban đầu bà làm xướng ngôn viên và biên tập viên cho đài Phát thanh Pháp Á. Sau lại trở thành ca sĩ của đài, tiếng hát của bà được yêu thích khắp 3 miền, được giới mộ điệu gọi là “giọng hát vàng phương Nam”.

Mối tình tuyệt đẹp giữa đôi “trai tài, gái sắc” – Dương Thiệu Tước và Minh Trang

Nhắc đến chuyện tình giữa nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và ca sĩ Minh Trang thì phải kể đến lần gặp gỡ tình cờ tại Hội chợ đấu xảo ở Hà Nội. Nhưng trước ấy, cả hai đã biết danh tính của nhau. Lúc hát ở đài Pháp Á, ca sĩ Minh Trang thường xuyên hát những bài do Dương Thiệu Tước sáng tác, nổi tiếng nhất là “Đêm tàn Bến Ngự”. Từ Hà Nội, Dương Thiệu Tước khi ấy cũng rất thích giọng hát của Minh Trang, nên sáng tác được bài nào mới ông đều gửi vào Sài Gòn cho cô.

Năm 1949, lần đầu tiên cả hai gặp mặt nhau là ở hội chợ Hà Nội. Khi đó, Thủ hiến Bắc kỳ là Nguyễn Hữu Trí vì mến mộ “giọng hát vàng phương Nam” nên đã mời bà từ Sài Gòn ra Hà Nội dự Hội chợ đấu xảo. Đây được xem là dịp để các nhạc sĩ hào hoa xứ Bắc được chiêm ngưỡng nhan sắc mỹ miều, quý phái của giai nhân phương Nam. Tuy đã có hai con nhưng ca sĩ Minh Trang lúc ấy vẫn giữ được một vẻ đẹp “chim sa, cá lặn” khiến nhạc sĩ Dương Thiệu Tước rung động từ cái nhìn đầu tiên.

Sau này ca sĩ Minh Trang kể lại: “Mặc cho các bạn Thẩm Oánh, Nguyễn Thiện Tơ, Dzoãn Mẫn… rối rít, ông ấy (nhạc sĩ Dương Thiệu Tước) vẫn giữ im lặng từ đầu đến cuối. Chỉ nhìn thôi. Lâu lâu mới mỉm cười. Sự xa cách, lặng lẽ đó khiến tôi càng thêm chú ý tới ông. Trước khi gặp gỡ, tôi đã từng hát nhạc của ông ấy nên tôi cũng rất ao ước được một lần gặp mặt con người tài hoa này. Sau đó tôi về Sài Gòn, chúng tôi thư từ cho nhau, dần dần thấy hợp, rồi cứ vậy thành đôi. Khi tôi mới vào lại Sài Gòn, vì nhớ tôi mà anh Tước sáng tác bài “Sóng lòng”. Dạo ấy anh còn sáng tác bài “Ngọc Lan” nổi tiếng một thời để tặng riêng cho tôi. Tuy đó là tên một loài hoa, nhưng người ta có thể thấy được trong lời ca là để mô tả vẻ đẹp của người thiếu nữ…”

chuyen-tinh-nhac-si-duong-thieu-tuoc-va-ca-si-minh-trang (3)
Cặp vợ chồng nghệ sĩ Dương Thiệu Tước - Minh Trang

Gặp được định mệnh đời mình khiến nhạc sĩ Dương Thiệu Tước “bùng nổ” sức lực và cảm hứng để sáng tác. Ông cho ra đời hàng loạt các ca khúc bất hủ, tiêu biểu có thể kể đến như “Bóng chiều xưa”, “Buồn xa vắng”, “Khúc nhạc dưới trăng”, “Ôi quê xưa”, “Vui xuân”,… Những sáng tác trong giai đoạn này, có bài viết cho bóng hồng Minh Trang, có bài không nhưng có một điều đặc biệt là ông không còn đứng tên đơn lẻ nữa. Những bài hát được Nhà xuất bản Tinh Hoa xuất bản đều được ghi “Nhạc và lời: Dương Thiệu Tước – Minh Trang”.

Ca sĩ Minh Trang trong một cuộc phỏng vấn có kể lại rằng, trước khi nhận lời cầu hôn của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, bà đã bay ra Hà Nội để gặp mặt người vợ trước của ông là bà Lương Thị Thuần để thông báo về quyết định của hai người. “Thời ấy, có thể không có một người phụ nữ nào hành xử như tôi. Nhưng đó là tôi, cách của tôi: tự tin và tự trọng!” – Minh Trang nói.

Năm 1951, cả hai nên duyên vợ chồng với nhau. Nhưng phải 3 năm sau, năm 1954 nhạc sĩ Dương Thiệu Tước mới chính thức vào Sài Gòn sinh sống cùng Minh Trang, cả hai có với nhau 5 người con.

“Anh Tước và tôi rất hợp nhau, sống với nhau gần 30 năm trời, không có sóng gió gì cả. Anh Tước hiền lành lắm, timide (nhát) nữa là khác. Đương nhiên, cũng như bao nhạc sĩ khác, anh có một tâm hồn rất nghệ sĩ, do đó anh cũng có bay bướm, nhưng mà tôi chấp nhận điều đó…”, nhạc sĩ Minh Trang tâm sự.

Cứ thế, cái duyên âm nhạc đã thành cái duyên cầm sắt! Sau bao tan vỡ, tổn thương, hai người nghệ sĩ mang trái tim đầy rung cảm hợp lại với nhau, tạo thành một gia đình hạnh phúc.

Chuyện tình đẹp khép lại: Cung đàn vỡ đôi, ngọc lan úa tàn

Sau năm 1975, cuộc sống của gia đình nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và ca sĩ Minh Trang gặp rất nhiều khó khăn. Nhạc của ông bị cấm hoàn toàn, công việc giảng dạy ở trường Âm nhạc Quốc Gia cũng không còn nữa, cuộc sống gia đình cùng vì thế mà trở nên túng quẫn.

Năm 1978, Minh Trang dẫn các con sang Thái Lan rồi qua Mỹ định cư. Dương Thiệu Tước khi ấy vì đau ốm nên không đi được. Ông cứ vậy sống một mình cô đơn giữa Sài Gòn, không người thân bên cạnh.

chuyen-tinh-nhac-si-duong-thieu-tuoc-va-ca-si-minh-trang (4)
Danh ca Minh Trang (về già) và nhạc sĩ Dương Thiệu Tước

Rồi một ngày kia, tình cờ ông gặp lại một phụ nữ tên Nguyễn Thị Nga, trước đây từng là học trò của ông. Nga ngày trước từng yêu thầm vị nhạc sĩ tài hoa, nhưng thấy ông đã có vợ, con đề huề nên chỉ giấu kín trong lòng. Nay thấy ông sống một mình cô đơn, không nơi nương tự nên đã quyết định “nâng khăn sửa túi” cho người trong lòng. Đây là cuộc tình cuối cùng trong đời của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Hai người sống ở quận Bình Thạnh cho đến lúc ông qua đời vào năm 1995.

Ở nước ngoài, ca sĩ Minh Trang làm nghề kiểm tra chất lượng cho một hãng Microfilm để kiếm sống. Năm 1986, khi đã 65 tuổi, Minh Trang chuyển về Orange County để ở gần các con. Tại đây bà sống những năm tháng cuối đời hạnh phúc, vui đầy bên con cháu. Năm 2010, bà ra đi thanh thản tại California, hưởng thọ 90 tuổi.

Xem thêm: Hoàn cảnh ra đời ca khúc Hai vì sao lạc: Hóa ra không phải kể về một câu chuyện tình yêu

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận