Nhạc sĩ Phạm Đình Chương: Từ “Thuở ban đầu” đến “Nửa hồn thương đau”
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam với những ca khúc đi vào lòng người như “Ly rượu mừng”, “Nửa hồn thương đau”, “Mộng dưới hoa”,… Ngoài vai trò nhạc sĩ, Phạm Đình Chương còn là ca sĩ của ban hợp ca Thăng Long vang danh một thời với nghê danh Hoài Bắc.
- Nhạc sĩ Phạm Đình Chương là ai?
- Đời tư nhạc sĩ Phạm Đình Chương – Cuộc tình nghiệt ngã với cô đào xinh đẹp
- Đôi nét về sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phạm Đình Chương
- Kho tàng âm nhạc và những nhạc phẩm đặc sắc của nhạc sĩ Phạm Đình Chương
- Sức ảnh hưởng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương
- Đánh giá về âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Đình Chương
HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG
- Tên thật: Phạm Đình Chương
- Nghệ danh: Phạm Đình Chương (nhạc sĩ), Hoài Bắc (ca sĩ)
- Ngày sinh: 1929 - 1991
- Quê quán: Phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
- Nghề nghiệp: Nhạc sĩ, ca sĩ
- Thể loại sáng tác: Nhạc tiền chiến, tình khúc
- Ca khúc nổi tiếng: Nửa hồn thương đau, Ly rượu mừng, Đón xuân,…
- Ca sĩ trình bày thành công nhất: Duy Khánh, Thanh Tuyền, Phương Dung,...
- Thời gian hoạt động: 1946 – 1991
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương là ai?
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương sinh ngày 14 tháng 11 năm 1929 tại Bạch Mai, Hà Nội. Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, cả hai thân sinh của Phạm Đình Chương đều chơi nhạc cổ truyền chuyên nghiệp.
Thân phụ của ông là Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của ông Phụng sinh được 2 người con trai là Phạm đình Sỹ và Phạm Đình Viêm (ca sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long). Người vợ sau của ông Phụng có 3 người con lần lượt là: Trưởng nữ - Phạm Thị Quang Thái (ca sĩ Thái Hằng), con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương và con gái út là Phạm Thị Băng Thanh (ca sĩ Thái Thanh).
Từ nhỏ nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã được nhiều người chỉ dẫn nhạc lý, nhưng phần lớn kiến thức vẫn là do ông tự học. Những năm đầu kháng chiến, Phạm Đình Chương cùng các anh em gia nhập vào ban văn nghệ Quân đội ở Liên khu IV với tư lệnh là tướng Nguyễn Sơn.
Năm 1947, khi ấy nhạc sĩ Phạm Đình Chương 18 tuổi, ông đã có sáng tác đầu tay với tựa “Ra đi khi trời vừa sáng”, sau đó là bài “Hò leo núi”. Những bài hát đầu tay của ông đều có không khí hào hùng, tươi vui.
Năm 1951, Phạm Đình Chương rời chiến khu về Hà Nội, sau đó lại chuyển vào Sài Gòn định cư. Tại đây, ông cùng các anh chị em là Hoài Trung, Thái Thanh và Thái hằng lập ra ban hợp ca Thăng Long. Trong khoảng thời gian từ năm 1953 -1954, ban Thăng Long ra Hà Nội lưu diễn với cái tên Gió Nam cùng với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của miền Nam. Cũng trong năm 1953, nhạc sĩ Phạm Đình Chương kết hôn với ca sĩ – minh tinh điện ảnh Khánh Ngọc.
Trong những năm thập niên 1950, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã cho ra đời nhiều ca khúc bất hủ như “Ly rượu mừng”, “Xuân tha hương”, “Tiếng dân chài”,… trong đổi nổi tiếng nhất là trường ca “Hội trùng dương”. Những bài hát này đã đưa tên tuổi nhạc sĩ Phạm Đình Chương tiến sâu vào làng nhạc Việt.
Tiếp nối thành công đó, trong khoảng thập niên 1960 – 1970, nhạc sĩ Phạm Đình Chương lại tiếp tục cho ra mắt những bài hát đi vào lòng người như “Xóm đêm”, “Đón xuân”, “Nửa hồn thương đau”,… Giai đoạn này dù sáng tác không nhiều bằng những nhạc sĩ miền Nam khác, nhưng với những sản phẩm chất lượng, được công chúng đón nhận, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã bước lên đỉnh cao của nền tân nhạc Việt Nam. Cũng trong khoảng thời gian này, ông lập ra phòng trà mang tên “Đêm màu hồng”, cùng với ban hợp ca Thăng Long, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã biến nơi này thành chỗ tụ hội của các văn nghệ sĩ đương thời.
Sau năm 1975, nhạc sĩ Phạm Định Chương sang định cư tại Hoa Kỳ. Tại đây ông vẫn tiếp tục sáng tác và ca hát tại các phòng trà, sân khấu ở hải ngoại.
Vào mùa hè năm 1991, nhạc sĩ Phạm Đình Chương lâm bệnh nặng và mất vào ngày 22 tháng 8 tại California, Hoa Kỳ. Theo lời gia đình ông kể lại, sau khi người anh của ông là nghệ sĩ lão thành – Hoài Trung qua đời vào 8 năm sau đó, cụ thể là vào năm 1998, gia đình đã đem tro cốt của hai ông rải ngoài biển như trong lời một ca khúc mà Phạm Đình Chương đã viết trong khoảng thời gian cuối cùng của đời mình với nhan đề: “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển”, phổ thơ thi sĩ Du Tử Lê.
Đời tư nhạc sĩ Phạm Đình Chương – Cuộc tình nghiệt ngã với cô đào xinh đẹp
Năm 1954, nhạc sĩ Phạm Đình Chương cùng cả gia đình chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Tại đây ông cùng anh chị em của mình lập ra ban hợp ca Thăng Long nức tiếng một thời. Khi biểu biểu, ngoài cái tên Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng, Phạm Duy thì đôi khi còn có thêm sự góp mặt của nữ ca sĩ kiêm diễn viên Khánh Ngọc – sau này là người vợ, cũng là mối tình sâu đậm nhưng đầy đau đớn, oan nghiệt trong cuộc đời nhạc sĩ Phạm Đình Chương.
Khánh Ngọc thời ấy là ngôi sao sáng của bầu trời nghệ thuật Sài Gòn, bà từng được báo chí trao danh xưng “ngọn núi lửa” bởi vẻ ngoài xinh đẹp, nóng bỏng và đầy gợi cảm của mình. Ngoài vẻ ngoài cuốn hút, Khánh Ngọc còn sở hữu giọng ca say mê lòng người. Lần đầu gặp Khánh Ngọc, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã trao trái tim cho người đẹp. Sau nhiều công sức theo đuổi, cả hai chính thức yêu nhau và nên duyên vợ chồng trong ánh mắt ngưỡng mộ của nhiều người.
Thế nhưng, sau đó ít lâu, cuộc hôn nhân của hai người lại kết thúc trong tai tiếng. Trong những năm 60 của thế kỷ trước, báo chí Sài Gòn chấn động vì kỳ án ly hôn “Ăn chè Nhà Bè” của cặp đôi nhạc sĩ Phạm Đình Chương và cô đào Khánh Ngọc.
Báo chí thời đó viết lại rằng, trước khi “cơn bão” ập đến, nhạc sĩ Phạm Đình Chương cũng đã nghe phong phanh những điều tiếng không hay về vợ. Nhưng vì quá yêu nên ông không tin những việc ấy, hơn nữa khi đó họ cũng đã có với nhau đứa con 4 tuổi. Thế nhưng, chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến, vào một buổi tối định mệnh, theo yêu cầu của người bạn thận, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã có mặt và bắt quả tang vợ mình cùng nhân tình đang “ăn chè” ở Nhà Bè – vùng ven Sài Gòn/. Nỗi đau đớn càng nhân thêm gấp bội khi nhân tình của vợ lại chính là một thành viên trong gia đình. Một mối quan hệ cay đắng và oan nghiệt vô cùng. Khi chứng kiến vụ việc, trời đất như sụp đổ dưới chân Phạm Đình Chương, nhờ có người bạn dìu ông mới gắng gượng ra về với cõi lòng nát tan, vụn vỡ.
Sau nhiều ngày suy nghĩ, Phạm Đình Chương quyết định ly hôn với vợ. Cuối cùng toàn phán quyết cho ông ly hôn và được quyền nuôi con. Sau cuộc ly hôn đầy tai tiếng ấy, cuộc đời nhạc sĩ Phạm Đình Chương chuyển sang ngã rẽ khác. Ông dần tách ra khỏi ban hợp ca Thăng Long, né tránh thế giới bên ngoài và một mình đối mặt với nổi buồn, nỗi đau, nỗi thất vọng và uất hận trong lòng. Cũng trong khoảng thời gian này, Phạm Đình Chương đã cho ra đời những bản tình ca đầy tâm trạng như: “Người đi qua đời tôi”, “Đêm cuối cùng”,…
Có giai thoại kể lại rằng, trong một đêm mua buồn ông đến sân khấu Đại nhạc hội để giải khuây thì vô tình gặp lại người xưa, tức ca sĩ Khánh Ngọc đang biểu diễn. Kết thúc đêm diễn ông đứng chờ ngỏ lời đưa vợ cũ về nhà, nhưng Khánh Ngọc từ chối. Thế là ông lặng lẽ đi dưới trời mưa trong tâm trạng ngổn ngang. Trong đêm hôm đó, Phạm Đình Chương đã định quyên sinh, thế nhưng giữa đêm mưa gió, tiếng khóc của đứa con trai bé bỏng cất lên làm ông trở lại với thực tại và quên đi cái ý nghĩ rồ dại kia.
Quãng thời gian đau khổ này của nhạc sĩ Phạm Đình Chương kéo dài hơn 10 năm. Sau một khoảng thời gian dài đắm chìm trong đau khổ, dùng men rượu để quên đi mối tình oan nghiệt kia, nhạc sĩ Phạm Đình Chương cũng đã gặp gỡ và tái hôn với một người phụ nữ đẹp người đẹp nết tên là Mỹ.
“Đó là một người phụ nữ đẹp và chị ấy chấp nhận ở đằng sau hỗ trợ nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Tôi luôn thán phục chị bởi chị là người rất can đảm khi chọn đi vào cuộc đời của một người đàn ông đau khổ vì tình, buông xuôi hết tất cả và an ủi anh cho đến cuối cùng. Nhờ “tái sinh” trong cuộc hôn nhân này mà nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã tiếp tục sáng tác và có được một gia tài âm nhạc đồ sộ như sau này chúng ta thấy”, danh ca Phương Dung chia sẻ.
Được biết, sau 1975, nhạc sĩ Phạm Đình Chương và cùng vợ sang Mỹ định cư. Người vợ mới này đã gắn bó với nhạc sĩ cho tới ngày ông rời xa nhân thế. Còn Khánh Ngọc, sau khi ly dị, bà cũng sang Mỹ định cư và kết hôn với một luật sư.
Đôi nét về sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phạm Đình Chương
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương gắn với dòng nhạc tiền chiến
Mặc dù toàn bộ các sáng tác của nhạc sĩ Phạm Đình Chương đều được sáng tác sau năm 1945, nhưng vì những ca khúc của ông như “Mộng dưới hoa”, “Thuở ban đầu”,… đều mang giai điệu mượt mà với phần ca từ lãng mạng đúng với tính chất của dòng nhạc tiền chiến (những ca khúc sáng tác trong thập niên 1930 -1940) nên những người yêu nhạc vẫn gọi nhạc của Phạm Đình Chương là nhạc tiền chiến.
Vì sinh trong trong một gia đình có truyền thống âm nhạc nên Phạm Đình Chương học nhạc lý từ nhỏ. Lúc 18 tuổi ông đã sáng ca khúc đầu tay “Ra đi khi trời vừa sáng” với nhịp điệu vui tươi, mang không khí hào hùng, phấn khởi. Sau ca khúc đầu tay, Phạm Đình Chương gia nhập vào các đoàn văn nghệ lưu động của Liên khu 4 và tiếp tục sáng tác ra những bài hát kích động tinh thần yêu nước, chấp nhận khó khăn, vượt qua gian khổ. Những bài hát của ông tuy có bóng dáng của chiến tranh nhưng không mang nặng ý hận thù chém giết. Như ca khúc “Được mùa” mang âm điệu tươi vui với lòng tin vào một tương lai tươi sáng.
Sau đó, nhạc sĩ Phạm Đình Chương chuyển vào miền Nam, khoảng thời gian ở đây là những ngày sáng tác sung mãn nhất của vị nhạc sĩ tài hoa này. Hàng loạt ca khúc bất hủ đã ra đời như “Ly rượu mừng”, “Thuở ban đầu”, “Xuân tha hương”, “Sáng rừng”, “Mưa Sài Gòn mưa Hà Nội”… đáng kể nhất là trường ca “Hội trùng dương”. Đây là bản trường ca được ông viết về đất nước Việt Nam hoa gấm qua 3 bài ca nói về sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long. Theo lời kể của ông, để viết được bản trường ca bất hủ này, ông đã phải tốn 4 năm để hoàn tất. Thậm chí nhiều người đã xếp trường ca “Hội trùng dương” của Phạm Đình Chương ngang hàng với những bản trường ca nổi tiếng trước đó như Sông Lô của nhạc sĩ Văn Cao, hay Hòn Vọng Phu của nhạc sĩ Lê Thương.
Sự tài hoa của nhạc sĩ Phạm Đình Chương trong dòng nhạc phổ thơ
Trong nhạc của Phạm Đình Chương, thi ca đóng một vài trò quan trọng. Từ những vần thơ của Đình Hùng, Hoàng Anh Tuấn, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa,…từ trước năm 1975 hay Du Tử Lê, Kim Tuấn, Thái Tú Hạp…sau năm 1975 ở hải ngoại đều được nhạc sĩ Phạm Đình Chương “phù phép” tạo thành những ca khúc lôi cuốn, nói lên được tâm tư của thời đại. Với chất lãng mạn có sẵn trong thơ, kết hợp cùng âm điệu của nhạc tạo nên những bài hát giàu cảm xúc nói về những cuộc tình và những phận người.
Trong đó nổi bật nhất phải kể đến bài “Mộng dưới hoa” được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ từ thơ Đinh Hùng. Ca khúc này từ khi ra mắt đã rất được ưa chuộng và trở thành tuyệt phẩm của làng nhạc Việt.
Nhạc sĩ Vũ Thành đã có lần nhạc xét về bài nhạc này của Phạm Đình Chương rằng: “Mộng Dưới Hoa đáng được coi là một kỳ công, một tuyệt tác đáng phục vì phổ nhạc vào thơ Việt Nam là một việc cực kỳ khó. Có thể làm theo thể mẫu hết sức cân đối mà vẫn giữ đúng được bằng trắc của từng chữ, chúng ta phải ngả nón trước nhạc sĩ Phạm Đình Chương”.
Trong khoảng thập niên từ 1960 – 1970, được xem là khoảng thời gian ‘vàng” trong sáng tác của nhạc sĩ Phạm Đình Chương khi cho ra mắt rất nhiều bài hát tạo được tiếng vang lớn. Trong đó, có hàng loạt ca khúc phổ thơ rất thành công như: “Nửa hồn thương đau”, “Ngợi ca tình yêu”, “Đêm mơ màu hồng”, “Khi cuộc tình đã chết”, “Người đi qua đời tôi”, “Đôi mắt người Sơn Tây”,…
Sau năm 1975, ông đã có một thời gian lưu lạc, đến năm 1979 thì chính thức định cư tại Mỹ. Trong thời gian ở hải ngoại, với tâm sự của một người lưu lạc ông đã tìm đến thơ của thi sĩ Du Tử Lê và cảm thấy có sự gắn kết, gần gũi. Chính những bài thơ này đã thôi thúc ông viết ra những bản nhạc đầy ưu tư như: “Khi tôi chết hãy mang tôi ra biển”, “Nhớ trăng Sài Gòn”, “Quê hương là người đó”,…
Nhà văn Mai Thảo đã từng viết về người bạn tâm giao của mình như sau: “Ở một tầm cao hơn, thuần túy nhạc lý và nhạc tính hơn, những điểm xuất sắc của cõi nhạc, nét nhạc của Phạm Đình Chương cũng được những kiến thức có thẩm quyền hết lời khen ngợi. Như nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi từng nói, nhạc của Phạm Đình Chương cao sang nhưng không khó, không xa mà rất hợp với tâm hồn đại chúng”.
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương với huyền thoại một thời - Ban hợp ca Thăng Long
Ngoài được biết đến với vai trò nhạc sĩ, Phạm Đình Chương còn là thành viên của ban hợp ca Thăng Long với nghệ danh Hoài Bắc. Ban hợp ca Thăng Long là ban nhạc được thành lập với những thành viên là anh chị em ruột trong gia đình ông.
Thời đó, ban hợp ca Thăng Long là một cái tên có sức ảnh hưởng lớn trong làng nhạc Sài Gòn. Từ phòng trà đến rạp hát, nơi nào có sự hiện diện của họ đều “cháy vé”. Với nguồn nhạc phong phú được sáng tác “cây nhà lá vườn” bởi hai tên tuổi lừng danh lúc đó là Phạm Duy và Phạm Đình Chương, ban hợp ca Thăng Long là ban nhạc mang được tính thời đại một cách sắc nét.
Với những hoạt động tân nhạc sôi nổi ngay từ khi mới chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, có thể nói ban hợp ca Thăng Long đã có những đóng góp lớn lao cho sự phát triển tân nhạc ở miền Nam vào thập niên 1950.
Kho tàng âm nhạc và những nhạc phẩm đặc sắc của nhạc sĩ Phạm Đình Chương
Sau khoảng thời gian dài cống hiến cho âm nhạc và nghệ thuật, cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã để lại hơn 60 ca khúc cho kho tàng âm nhạc Việt Nam. Tuy số lượng ca khúc không quá nhiều nhưng nếu tính phần trăm số lượng ca khúc trở thành bất tử của ông từ sáng tác đầu tay cho tới sáng tác sau cùng thì tỷ lệ đó không dưới 80% tổng số sáng tác. Con số này là minh chứng cho sự thành công và tài hoa của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.
Một số bài khác nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương: Anh đi chiến dịch, Bài ca tuổi trẻ, Bài ngợi ca tình yêu, Bên trời phiêu lãng, Buồn đêm mua, Dạ tâm khúc, Đêm cuối cùng, Đem màu hồng, Định mệnh buồn, Đôi mắt người Sơn Tây, Đón xuân, Đợi chờ, Trường ca Hội Trùng Dương, Khi cuộc tình đã chết, Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển, Khúc giao duyên, Ly rượu mừng, Mắt buồn, Mộng dưới hoa, Mười thương, Nửa hồn đau thương, Quê hương là người đó, Ta ở trời tây, Tiếng dân chai, Xóm đêm, Xuân tha hương,…
Trong đó nổi tiếng nhất không thể không kể đến bài “Nửa hồn đau thương” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương dựa trên ý thơ Thanh Tâm Tuyền, được xem là ca khúc đại diện cho khuynh hướng sáng tác những bài tình ca buồn của ông trong thập niên 1960 - 1970. Đây là một ca khúc rất buồn, cái nổi buồn ấy chất chứa từ những đau thương trong cuộc hôn nhân của ông với ca sĩ Khánh Ngọc.
“Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa
Cho tôi về đường cũ nên thơ
Cho tôi gặp người xưa ước mơ
Hay chỉ là giấc mơ thôi
Nghe tình đang chết trong tôi
Nghe lòng tiếc nuối xót thương suốt đời...”.
Sức ảnh hưởng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương
Nhắc đến âm nhạc Phạm Đình Chương những người yêu nhạc, giới chuyên môn đều nhận thấy rõ vóc dáng một nhạc sĩ lớn ở ông. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác đa diện và ở mặt nào cũng có những tác phẩm đặc sắc, đóng góp vào kho tàng âm nhạc Việt Nam. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua mà lời nhạc của Phạm Đình Chương vẫn xanh và bóng mát vẫn tỏa, âm điệu vẫn còn vang vọng trong tâm hồn của những người yêu nhạc.
Theo nhà thơ Du Tử Lê: “Nhìn lại quá trình sáng tác của nhạc sĩ Phạm Đình Chương với khoảng trên 60 ca khúc , đủ loại, như viên kim cương âm nhạc, bất hoại và hầu hết chúng đã được thời gian thực chứng, người ta mới thấy rõ hơn chiều kích lớn lao dường nào của vị nhạc sĩ tài hoa. Đối chiếu với những người có số lượng sáng tác nhiều hơn ông, con số có thể lên tới cả trăm, thậm chí cả ngàn, nhưng lỷ lệ ca khúc vượt ngưỡng cửa giai đoạn một thời thì nhạc sĩ Phạm Đình Chương luôn ở hàng đầu”.
Đánh giá về âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Đình Chương
Theo một số nhạc sĩ quen biết và giao du với nhạc sĩ Phạm Đình Chương, ông là một người sáng tác giỏi, có khả năng phối hòa âm rất hay, tính tình cởi mở, hòa đồng với phong cách giản dị. Đặc biệt Phạm Đình Chương được đánh giá là người có trách nhiệm với gia đình, một người chồng, người cha mẫu mực. Mặc dù có cuộc hôn nhân không hạnh phúc, bị vợ làm tổn thương, nhưng khi nhắc đến người vợ cũ ông cũng chỉ cảm thán nói: “Cái số tôi lận đận, không ở được với cô ấy đến trọn đời”. Chính vì tính cách như vậy mà nhạc sĩ Phạm Đình Chương luôn được rất nhiều người quý mến.
Theo nhà thơ Du Tử Lê viết: “Những người nghiên cứu về cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương cho biết, họ không nhạc nhiên về tính đa dạng của tài năng họ Phạm. Theo những người này thì nhạc sĩ Phạm Đình Chương không chỉ hấp thụ được tinh hoa văn học nghệ thuật từ vùng đất kinh kỳ Hà Thành, mà ông còn được thừa hưởng thổ ngơi từ Hà Đông quê cha và vùng đất văn học Sơn Tây quê mẹ. Không chỉ vậy, trong những ngày gia nhập đoàn văn nghệ, ở tất cả những nơi ông đi qua, với tâm hồn và trái tim như tờ giấy trắng, âm thẩm thấu được hơi thở cá biệt của từng vùng qua ca dao, điệu hò…những thứ ấy đều trở thành vốn quý cho sáng tác sau này của cố nhạc sĩ”.
Từ những tinh hoa hấp thụ được, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã viết tất cả thành những ca khúc bất hủ ca ngợi tình yêu, ca ngợi quê hương, xen vào đó là cả những đau đáu nhớ về chốn cũ nhà xưa của một người tha thương, của những tan vỡ của người bị tình yêu tổn thương… tất cả, tạo thành một nhạc sĩ tài hoa điểm tô cho làng nhạc Việt một thời.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận