Vì sao nhạc sĩ Phan Công Thiệt chọn dùng bút danh Mặc Thế Nhân?

Ở bài viết này, Amnhac.net xin phép bật mí một số thông tin thú vị về bút danh "Mặc Thế Nhân" của Phan  Công Thiệt - một nhạc sĩ nổi tiếng trước 1975.

Đỗ Thu Nga
14:00 22/10/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

Nhạc sĩ Phan Công Thiệt sinh năm 1939 trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu ở Gò Vấp (tỉnh Gia Định xưa). Ngoài vai trò nhạc sĩ nhạc vàng, ông còn biết đến là một ký giả của miền Nam Việt Nam trước 1975. 

Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, ông hăng hái sáng tác và để lại đời nhiều nhạc phẩm ấn tượng như: Cho vừa lòng em, Em về với người, Một lần dang dở, Mùa xuân cưới em, Trả tôi về... 

Cũng giống như nhiều nhạc sĩ cùng thời, Phan Công Thiệt sử dụng nhiều bút danh khi sáng tác và làm ký giả. Với nghiệp âm nhạc, ông dùng bút danh: Nhã Uyên, Phan Trần, Trùng Dương. Với vai trò ký giả, ông dùng bút danh: Mộng Thu, Giáng Ái Sĩ. 

Ngoài ra, nhạc sĩ Phan Công Thiệt còn sử dụng một bút danh khá đặc biệt là "Mặc Thế Nhân". Ngày nay, công chúng và giới bình phẩm âm nhạc cũng thường gọi ông bằng bút danh Mặc Thế Nhân chứ ít khi gọi tên khai sinh. Về bút danh Mặc Thế Nhân, ông từng lý giải có nghĩa là "Góp giọt mực cho đời". Mặc nghĩa là giọt mực chứ không phải mặc kệ.

Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân theo đuổi con đường âm nhạc từ năm 17 tuổi. Ông bắt đầu học nhạc với các nhạc sĩ Thẩm Oánh, Hùng Lân, Nguyễn Quý Lãm, Nguyễn Cầu và Xuân Bình ở trường Ca Vũ nhạc phổ thông Sài Gòn. Sau 2 năm học tập, ông ra trường và phục vụ trong ban nhạc Hoa niên. Bên cạnh đó, ông còn hợp tác với ban đàn dây Xuân Bình trình diễn trên làn sóng truyền thanh.

vi-sao-nhac-si-phan-cong-thiet-chon-dung-but-danh-mac-the-nhan-0
Chân dung nhạc sĩ Mặc Thế Nhân

năm 1958, ông cho ra mắt sản phẩm đầu tay là ca khúc "Trăng quê hương". Đến năm 1959, ông xuất bản nhạc phẩm "Vui tàn ánh lửa".

Trong giai đoạn chập chững bước vào đời, Mặc Thế Nhân còn là một ký giả tân nhạc kịch trường của nhật báo Lẽ Sống, tuần báo Bình Dân với bút hiệu Mộng Thu và Giáng Ái Sĩ.

Chưa hết, Mặc Thế Nhân còn đứng ra điều khiển và thành lập các ban văn nghệ Thông tin Quận 1, Tổng hội Sinh viên học sinh Đô thành và ban Luân Vũ để đi trình diễn lưu động cho các hoạt động chánh quyền. 

Ngoài ra, nhạc sĩ Mặc Thế Nhân còn đóng vai trò làm thầy dạy nhạc lý cho một trường tư thục trong đô thành và rèn luyện cho một vài ca sĩ, trong đó có nữ ca sĩ Hương Lan. Vào thập niên 1970, ông thực hiện băng nhạc Nhã Ca và mở lớp nhạc tại Đakao. 

Phải nói rằng, nhạc sĩ Mặc Thế Nhân có những năm tháng hoạt động nghệ thuật rất tích cực nhưng các sáng tác của ông vẫn chưa đủ sức nặng để tên tuổi bay xa trong làng nhạc. Phải đến đầu thập niên 1970, với hai ca khúc "Cho vừa lòng em" (viết với Nhật Ngân) và "Em về với người" ra đời mới đưa tên tuổi của ông bay cao, trở thành nhạc sĩ được săn đón.

Trong quá trình sáng tác nhạc, Mặc Thế Nhân đã rút ra được điều làm ông tâm đắc nhất, đó là: "Làm công việc gì cũng phải có nền tảng để phát triển. Khó mà lèo lái cảm xúc của người nghe theo một hướng nào, trừ khi sáng tác đó hay. Nhạc sĩ cần nhận thấy mình nên sáng tác dòng nhạc nào dễ đi vào lòng người theo thời gian. Ca khúc đó sẽ là ký ức lưu giữ về thời gian, về cuộc sống mà tác giả đã trải nghiệm”.

Xem thêm: Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân và quan niệm sáng tác không hư cấu

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận