Vì sao khi viết nhạc danh ca Chế Linh dùng bút hiệu là Tú Nhi?
Có dạo, danh ca Tú Linh hát nhạc của Tú Nhi nhiều hơn hẳn so với sáng tác của các nhạc sĩ khác. Nhiều người tò mò hỏi về Tú Nhi, Chế Linh không đáp, chỉ cười...
Danh ca Chế Linh tên thật là Jamlen (Trà-len), tên Việt là Lưu Văn Liên, sinh năm 1942. Ông là người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận. Ông mồ côi cha khi mới 4 tuổi.Sau khi học hết bậc tiểu học chương trình Pháp ở trường làng, Chế Linh được các linh mục Pháp trong trường hướng dẫn về căn bản nhạc lý. Tiếp đó, ông theo học lên bậc trung học ở trường Bồ Đề Phan Rang.
Tháng 8/1959, ông quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp. Ông xin làm cho một ông chủ người Việt gốc Hoa. Người này đã giúp đỡ Chế Linh đi học và trả tiền lương rất hậu cho ông. Chế Linh đảm nhiệm việc trong nhà cho ông chủ người Hoa như nấu ăn, coi sóc con của ông chủ.
Năm 1962, Chế Linh tham gia cuộc thi tuyển lựa ca sĩ cho đoàn văn nghệ Biệt Chính và giành được danh hiệu "nam ca sĩ xuất sắc nhất". Từ đó, ông theo đoàn hát Biệt Chính cùng các ca sĩ gạo cội như Trúc Phương, Châu Kỳ... đi biểu diễn ở các miệt làng xa tai Biên Hòa. Khoảng 2 năm sau, Biệt Chính tan rã, các ca nhạc sĩ khác trở về Sài Gòn, riêng Chế Linh ở lại Biên Hòa. Ông chuyển sang làm tài xế xe chở đá tại núi Bửu Long chung với nhạc sĩ Bằng Giang. Trong những lúc rảnh rỗi, ông luyện giọng. Biết Chế Linh đam mê ca hát, nhạc sĩ Bằng Giang khuyên ông quay lại với nghề.
Cuộc gặp gỡ với Bằng Giang cũng trở thành dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của danh ca Chế Linh. Hai người cùng sáng tác các ca khúc nổi tiếng với bút danh Tú Nhi - Bằng Giang. Sau này, Chế Linh có chia sẻ: Những ca khúc được viết chung ở thời điểm ông mới chập chững vào nghề sáng tác nên phần nhạc được Bằng Giang viết, phần lời là của Tú Nhi.
Cũng theo Chế Linh, ca khúc đầu tiên trong sự nghiệp của ông là "Đêm buồn tỉnh lẻ", được viết theo điệu bolero. Bài hát viết về tâm sự của người lính - một người bạn cũ của ông. Ca khúc đầu tay này cũng được viết cùng nhạc sĩ Bằng Giang và lấy bút danh Tú Nhi.
Hé lộ về lý do lấy bút danh "Tú Nhi", danh ca Chế Linh nói: Tú Nhi có nghĩa là một đứa bé tuấn tú. Tú có nghĩa là tuấn tú, nhi có nghĩa là nhi đồng. Khi chọn bút danh này và cho đến tận bây giờ, ông vẫn luôn mong muốn mình được hồn nhiên như một đứa trẻ thơ.
Danh ca Chế Linh cũng nhiều lần chia sẻ, có không ít người tò mò về cái tên Tú Nhi. Và ông cũng để mọi người tò mò và không giải thích. Ông đoán được sự băn khoăn của mọi người về việc tại sao tác giả có cái tên rất bé thơ này lại viết những ca khúc đầy tâm sự, những mối tình lãng mạn và "gãy đổ".
Có một dạo, danh ca Chế Linh hát nhạc của tác giả Tú Nhi nhiều hơn hẳn các sáng tác của những nhạc sĩ khác. Có nhiều người hỏi về Tú Nhi, ông chỉ cười. Lý do đơn giản như chia sẻ của Chế Linh, bởi ông e ngại nếu biết ông và Tú Nhi là một thì các nhạc sĩ khác sẽ ngại giao bài của mình cho ông vì e ông không hết mình với các sáng tác của họ.
Cũng vì thế mà nhiều người chỉ biết, Chế Linh chuyên hát nhạc Tú Nhi và Tú Nhi là người chuyên viết nhạc cho Chế Linh hát. Điều này khiến Chế Linh cảm thấy lạ và đầy thú vị.
“Từ khi vào làng âm nhạc với chủ ý của tôi, Tú Nhi và Chế Linh là hai người hoàn toàn xa lạ để rộng đường và dễ dàng hơn trong việc hỗ trợ lẫn nhau. Hơn nữa, tôi muốn dành cho khán thính giả sự tò mò về tung tích của Tú Nhi và đặt nhiều câu hỏi. Ví dụ như tại sao Chế Linh lại thích hát những sáng tác của Tú Nhi và ngược lại Tú Nhi lại thích cung cấp bài hát cho Chế Linh trình bày. Rất mong mọi người thứ lỗi về sự giấu giếm này”, Chế Linh chia sẻ.
Chế Linh mà một trong bốn giọng ca nam nổi tiếng nhất nền bolero thời kỳ đầu. Ông được xếp trong tóp "tứ trụ nhạc vàng" cùng Duy Khánh, Nhật Trường, Hùng Cường. Song trong "tú trụ" chỉ có mỗi Chế Linh đi hát bền bỉ đến tận bây giờ.
Với cách hát đặc trưng của mình, Chế Linh chính là "tượng đài" để nhiều ca sĩ sau này học hỏi cách háy. Điển hình là giọng ca hải ngoại Đan Nguyên.
Xem thêm: Chuyện ít biết về bút danh "Y-Na" của nhạc sĩ Hoàng Vân
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận