Lối hát phụ diễn - "nước đi" giúp ban hợp ca Thăng Long nổi đình nổi ở Sài Gòn thập 1950

Thăng Long là ban nhạc gia đình nổi đình nổi đám và có những đóng góp lớn lao cho sự phát triển tân nhạc ở Sài Gòn trong thập niên 1950.

Đỗ Thu Nga
08:00 21/11/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

Thông tin cơ bản về ban hợp ca Thăng Long

  • Thành lập: 1949 tại Hà Nội
  • Thể loại: Nhạc tiền chiến
  • Hoạt động sôi nổi: Thập niên 1950
  • Ca khúc tiêu biểu: Ly rượu mừng
  • Thành viên: Trước 1975: Hoài Trung, Hoài Bắc, THái Hằng, Thái Thanh, Phạm Duy; Khánh Ngọc; Sau 1975: Mai Hương, Quỳnh Giao

Ban hợp ca Thăng Long được thành lập vào 1949 tại Hà Nội, gồm Hoài Bắc, Hoài Trung, Thái Hằng, Thái Thanh, Khánh Ngọc. Nòng cốt của ban nhạc từ những năm 1950 đến 1975 là 3 cái tên: Hoài Bắc, Hoài Trung và Thái Thanh. Họ ghi dấu ấn ban đầu bởi những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy và Phạm Đình Chương.

Năm 1951, ban hợp ca Thăng Long di cư vào Sài Gòn hoạt động. Ở đây, ngoài thù lao đi hát ở đài phát thanh và phòng trà, họ còn kiếm sống từ tiền thu thanh đĩa nhạc, lúc này là đĩa đá chứ chưa có đĩa nhựa như sau này.

Nhắc đến câu chuyện này, trong hồi ký của mình, Phạm Duy viết: "Ban Thăng Long được các hãng đĩa trả thù lao rất cao để thu thanh giọng hát. Tôi cũng được mời hát vào dĩa microsillon 45 tours những bài Buồn Tàn Thu, Gánh Lúa... và còn giữ được kỷ niệm đó cho tới bây giờ.... Về phần nhạc mục (répertoire) ban THĂNG LONG đã có một số bài rất ăn khách do tôi soạn từ trước như Nương Chiều, Gánh Lúa hay mới soạn như Tình Ca, Tình Hoài Hương... Ngoài ra những bài như Nhạc Đường Xa của Phạm Duy Nhượng, Đợi Anh Về của Văn Chung, Được Mùa, Tiếng Dân Chài của Phạm Đình Chương cũng được hát trước màn ảnh".

vi-sao-ban-hop-ca-thang-long-vang-danh-o-sai-gon-thap-nien-1950
Ba thành viên nòng cốt của ban hợp ca Thăng Long

Vào thời điểm mới "chân ướt chân ráo" vào Sài Gòn nhưng ban hợp ca Thăng Long đã có những "nước đi" rất táo bạo. Họ là một trong những ban nhạc/ca sĩ đầu tiên trình diễn theo hình thức phụ diễn ở các rạp chiếu bóng. Nghĩa là các ca sĩ lên hát tân nhạc (gọi là phụ diễn) cho khán giả nghe trước khi phim bắt đầu chiếu. Khởi phát đầu tiên là ở rạp Nam Việt (chợ cũ góc đường de la Somme và Chaigneau - sau này là Hàm Nghi - Tôn Thất Đạm). Lối phụ diễn này của ban Thăng Long thành công ngay lập tức. Sau đó là đến rạp Văn Cầm ở Chợ Quán, rạp Khải Hoàn và Thanh Bình ở chợ Thái Bình - Quận Nhứt liên tục mời ban hợp ca Thăng Long về phụ diễn.

Đầu thập niên 1950, người Sài Gòn vẫn rất mê cải lương nhưng tân nhạc bắt đầu được ưa chuộng mà sân khấu đầu tiên chính là rạp chiếu bóng. Bởi những người đi xem phim đa phần là dân Tây học thích tân nhạc. Nhờ đó, ban Thăng Long có dịp giới thiệu hàng loạt các sáng tác hay của Phạm Duy, Phạm Đình Chương và nhiều nhạc sĩ tiền chiến khác.

Từ thành công của lối hát phụ diễn, ban hợp ca Thăng Long thừa thắng xông lên tổ chức các Đại nhạc hội tân nhạc ở các rạp vốn được xem là "lãnh địa" của cải lương như rạp Nguyễn Văn Hảo hay Aristo. Lúc này, không còn là lối hát phụ diễn nữa mà là chương trình ca diễn của ban Thăng Long với nhiều tiết mục hấp dẫn. Các màn đơn ca, hợp ca hay nhạc cảnh của ban Thăng Long cùng các nghệ sĩ được mời tới diễn chung như Trần Văn Trạch, Phi Thoàn, Xuân Phát và cả ban vũ Lưu Bình - Lưu Hồng (sau này gắn bó với Maxim's của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ).

Với những hoạt động sôi nổi của mình, ban hợp ca Thăng Long đã có những đóng góp lớn lao cho sự phát triển của tân nhạc Sài Gòn trong thập niên 1950. Những đóng góp này đã lần nữa được "quái kiệt" Trần Văn Trạch - người từng cộng tác với ban Thăng Long đánh giá: "Mỗi xuất hiện của ban hợp ca Thăng Long là một cơn sốt đối với khán giả miền Nam. Cách trình diễn, bài vở họ chọn, ngôn ngữ họ dùng... như một điều gì vừa gợi óc một tò mò, vừa mới mẻ, quyến rũ, lại  cũng vừa thân thiết như một vật quý đã mất từ lâu, nay tìm lại được...".

vi-sao-ban-hop-ca-thang-long-vang-danh-o-sai-gon-thap-nien-1950-h
Đại gia đình Thăng Long: Hàng trên - Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Hoài Trung; Hàng dưới - Thái Hằng, Khánh Ngọc, Thái Thanh

Sau những thành công ở Sài Gòn, anh em ban hợp ca Thăng Long bắt đầu quay ra Bắc. Lúc này, họ theo đoàn hát Gió Nam (làn gió mới đến từ phương Nam) đi trình diễn ở Hà Nội. Vì Nhà Hát Lớn giới hạn về không gian nên nhiều khán giả trẻ không mua được vé phải trèo qua cửa sổ để nghe Giáo Nam hát. Trong số những khán giả trẻ đó có Lê Quỳnh rất hâm mộ giọng hát Thái Thanh. Sau này (năm 1954) khi di cư vào Sài Gòn và trở thành nam tài tử nổi tiếng bậc nhất miền Nam, Lê Quỳnh đến hỏi cưới Thái Thanh và được gia đình cụ Phạm Đình Phụng đồng ý.

Có thể nói, ở thập niên 1950 và đầu 1960, ban hợp ca Thăng Long đã làm được điều mà không phải ban nhạc Việt nào cũng làm được. Họ không chỉ tạo ra danh tiếng cho gia đình, cho mỗi cá nhân mà còn đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của tân nhạc ở Sài Gòn. 

Xem thêm: Vì sao ban nhạc anh chị em nhà họ Phạm lại chọn cái tên "Thăng Long"?

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận