Top 3 ca khúc hay nhất của nhạc sĩ Lê Thương

Theo quan điểm chủ quan của người viết, sự nghiệp âm nhạc rực rỡ của nhạc sĩ Lê Thương có 3 ca khúc bất hủ: Trường ca Hòn vọng phu, Thằng Cuội và Học sinh hành khúc.

Đỗ Thu Nga
17:00 10/07/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

Lê Thương thuộc nhóm nhạc sĩ tiên phong mở đường của tân nhạc Việt Nam. Tên tuổi của ông gắn liền với các tác phẩm đậm đà phong vị dân tộc, gắn với lòng yêu nước, tình cảm gia đình.

Nhắc đến Lê Thương thì không thể không nhắc đến các nhạc phẩm bất hủ: Hòn vọng phu, Thằng Cuội, Học sinh hành khúc.

1. Trường ca "Hòn vọng phu"

"Hòn vọng phu" là trường ca trứ danh trong âm nhạc Việt Nam, được nhạc sĩ Lê Thương "thai nghén" sáng tác từ năm 1943 đến 1947, xuất bản lần đầu từ năm 1946 đến 1949. Đây cũng là trường ca đầu tiên của tân nhạc Việt Nam.

Trường ca "Hòn vọng phu" gồm 3 nhạc phẩm với nhan đề:

- "Hòn vọng phu 1: Đoàn người ra đi", sáng tác năm 1943, xuất bản lần đầu năm 1946.

- "Hòn vọng phu 2: Ai xuôi vạn lý", sáng tác năm 1946, xuất bản lần đầu tháng 10/1946.

- Hòn vọng phu 3: Người chinh phu về", sáng tác năm 1947, xuất bản lần đầu năm 1949. 

top-3-ca-khuc-hay-nhat-cua-nhac-si-le-thuong-4
Tờ bìa nhạc Trường ca Hòn vọng phu

Về nội dung:

- "Hòn vọng phu 1: Đoàn người ra đi", kể về người chồng theo lệnh vua tòng quân với lời ước hẹn sẽ đi một thời gian và trở về. Hai vợ chồng xa nhau, người đi vạn lý quan san, người ở lại đứng chờ trong bóng cô đơn.

- "Hòn vọng phu 2: Ai xuôi vạn lý", thời gian cứ đằng đẵng trôi qua, người vợ ở nhà ngày ngóng đêm chờ người chồng trở về. Chiều nào nàng cũng bồng con ngóng tin chồng, vết chân hằn sâu trên phiến đá, cỏ cây, hoa lá, sông núi, nước non... đều thương cảm cho nàng. Ngày tháng dần trôi, nàng và con hóa đá vì nhớ chồng.

- "Hòn vọng phu 3: Người chinh phu về", người chồng vượt bao gian khổ, hiểm nguy để trở về giữ đúng lời hứa với người vợ nhưng đã quá muộn. Người vợ không còn để gặp chồng, chỉ còn "vết bước đi trên phiến đá mòn còn in dấu" cùng nỗi tiếc thương lưu luyến mãi muôn đời. 

Trong 3 ca khúc của trường ca "Hòn vọng phu", công chúng yêu mến và đánh giá cao nhất là "Hòn vọng phu 1". Cho đến nay, tên tuổi của Lê Thương gắn liền nhiều nhất với ca khúc "Hòn vọng phu 1".

2. Ca khúc "Thằng Cuội"

Từ thập niên 1950 đến nay, các thế hệ thiếu nhi Việt Nam đều thuộc ca khúc "Thằng cuội" với những lời ca chân chất, dễ nhớ, dễ hát như một khúc đồng dao: "Bóng trăng trắng ngà/ Có cây đa to/ Có thằng Cuội già ôm một mối mơ...". Ca khúc "Thằng cuội" chính là tác phẩm dành cho thiếu nhi thành công nhất của nhạc sĩ Lê Thương. 

top-3-ca-khuc-hay-nhat-cua-nhac-si-le-thuong-5
Ca khúc "Thằng Cuội" của Lê Thương

Ca khúc này được nhạc sĩ Lê Thương sáng tác trong thời gian ông cùng nhạc sĩ Lê Cao Phan phụ trách ban nhạc Măng Non cho trẻ em. Lê Thương được xem là một trong những nhạc sĩ mở đầu của dòng nhạc thiếu nhi.

Ca khúc "Thằng Cuội" được nhiều thế hệ ca sĩ cover, nhưng có lẽ bản thu âm của Bích Huyền là ấn tượng nhất. Đó là thứ âm thanh dội về từ quá khứ, trong trẻo, hồn nhiên...

3. Ca khúc "Học sinh hành khúc"

"Học sinh hành khúc" là ca khúc được tất cả các lớp khối tiểu học giai đoạn 1960 đến 1975 hát vào mỗi sáng chào cờ. Và đây cũng là ca khúc được chọn làm nhạc hiệu của chương trình Phát thanh học đường trên đài phát thanh Sài Gòn trước 1975. 

top-3-ca-khuc-hay-nhat-cua-nhac-si-le-thuong-0
Học sinh trường Tiểu học Sao Mai (trên đường Công Lý, nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa)

"Cha đẻ" của ca khúc này là nhạc sĩ Lê Thương. Ông sáng tác "Học sinh hành khúc" vào đầu thập niên 1950 nhân phong trào "Trò Ơn" ở Sài Gòn. Đó là thời điểm giới học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn đang trong cao trào đòi tự do từ thực dân Pháp. Phong trào này đã để lại nhiều cảm xúc để Lê Thương đặt bút viết ca khúc rất hay và cho đến nay, ca khúc này vẫn giữ nguyên giá trị: Lòng tự hào dân tộc và trách nhiệm của người học sinh đối với quê hương đất nước:

"Học sinh là mầm sống của ngày mai 

Nung đúc tâm hồn để nối chí lớn 

Theo các thanh niên sống vì giống nòi 

Liều thân vì nước vì dân mà thôi. 

.

Học sinh là người mới của Việt Nam 

Đã thoát ra một thời xưa tối ám 

Đem sức thanh tân chống mọi suy tàn 

Học sinh làm sáng đời dân Việt Nam...".

Xem thêm: Nhạc sĩ Lê Thương và quan điểm làm nhạc: "Không mang đậm phong vị dân tộc, chớ mong tác phẩm sống lâu được"

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận