Ký ức về ca khúc "Lên đàng" - ngọn đuốc sáng soi đường cách mạng của thanh niên thế kỷ 20
79 năm trước, "Lên đàng" là lời hiệu triệu thanh niên đứng lên vì nước nhà. Hiện tại, "Lên đàng" là lời hiệu triệu tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến xây dựng đất nước.
VỀ CA KHÚC "LÊN ĐÀNG"
- Tên ca khúc: Lên đàng
- Nhạc sĩ sáng tác: Lưu Hữu Phước
- Thể loại: Hành khúc, nhạc đỏ
- Năm ra đời: 1944
Ca khúc "Lên đàng" ra đời trong hoàn cảnh nào?
Ca khúc "Lên đàng" được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác năm 1944. Với lời ca mạnh mẽ, dứt khoát, hiên ngang, ca khúc giống như lời kêu gọi, hiệu triệu, cổ vũ thanh niên trong công cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc, giải phóng dân tộc.
Ca khúc "Lên đàng" ra đời từ sự đòi hỏi cấp thiết của làn sóng đấu tranh cách mạng đang đến hồi cao trào. Cụ thể, năm 1943, Đảng đưa ra bản Đề cương văn hóa Việt Nam. Cùng năm, sinh viên Nam Bộ liên lạc được với Mặt trận Việt Minh (thành lập ngày 19/5/1941). Đầu năm 1944, sinh viên nhận nhiệm vụ gác sách vở về Nam vận động cách mạng. Cuối năm 1944, trong tuần báo Thanh Niên số 40 (xb ở Sài Gòn), nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã viết bài "Bản tuyên ngôn về âm nhạc". Ông nhấn mạnh chức năng phục vụ nhân sinh của nghệ thuật âm nhạc. Đồng thời chủ trương đề cao bản sắc dân tộc trong tác phẩm.
Ông cho rằng, những nét nhạc khó, nhân dân lao động thường hát sai. Vì vậy, khi làm các bài hát mà nhân dân không hát đúng, đó là do mình soạn sai. Một khi đã chọn lý tưởng giải phóng dân tộc thì không nên đề cao kỹ thuật quá sớm, cần làm sao cho đông đảo nhân dân cùng hát được những lời ca chiến đấu. Nó cần phải đơn giản mà khỏe mạnh. Cũng kể từ đó, ông ít sáng tác nhạc biểu diễn, tập trung sáng tác những ca khúc phù hợp với sinh hoạt của đông đảo quần chúng. Ông vận dụng hết vốn kỹ thuật ít ỏi của mình để sáng tác các bài hát phổ biến, diễn đạt đơn giản, dễ thuộc.
Khi cuộc đấu tranh bước vào giai đoạn cao trào, cũng là lúc yêu cầu sáng tác rất cấp bách. Nói về việc này, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước từng chia sẻ: "Có lúc yêu cầu sáng tác cấp bách, nhưng may vì tôi là người 'trong cuộc' lại nhờ có mấy bạn sẵn tài văn hay chữ tốt cũng là người 'trong cuộc', chúng tôi đều cùng sống giữa phong trào thanh niên, tứ nhạc, ý thơ đều sẵn sàng, cho nên soạn bài hát rất nhanh".
Và trong không khí sục sôi tinh thần chiến đấu, tinh thần dân tộc, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã chắp bút sáng tác ca khúc "Lên đàng". Ca khúc giống như ngọn đuối soi sáng đường cho hàng trăm ngàn thanh thiếu niên Nam Bộ lúc bấy giờ.
"Lên đàng" trở thành bài hát kêu gọi khởi nghĩa
Ca khúc "Lên đàng" của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước được hình thành từ 5 nốt nhạc son, la, đô, rê, mi cùng tiết tấu của nhịp đi. Năm nốt nhạc này thường xuất hiện trong các bài lý như: Lý ngựa ô, Lý bắc cầu, Lý cầu dừa, Lý con cóc, Lý dâng bông... của âm nhạc dân gian. Và chúng còn trùng với 5 âm hò, xư, xang, xê, cống của 6 bản Bắc trong 20 bài Tổ của Việt Nam.
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã làm đúng những gì ông nói, sáng tác ca khúc đơn giản, dễ thuộc để nhân dân hát đúng, hát dễ. Bài hát Lên đàng là một minh chứng. Ca khúc có nhịp điệu, khúc thức đoạn đơn của những điệu lý dễ nhớ, dễ hát. Bên cạnh đó còn có nét khỏe mạnh, đơn giản dễ phổ biến, tạo ngữ điệu, ngữ âm, ngữ khí, khơi dậy lòng tự hào, hào khí oai hùng, oanh liệt từ những trận đánh hào hùng, quật cường của dân tộc.
Trong không khí sục sôi của cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, ca khúc "Lên đàng" bỗng nhiên thay thế cho tiền thân của nó - đó là ca khúc "Tiếng gọi thanh niên". "Lên đàng" trở thành bài hát kêu gọi khởi nghĩa.
Khi điều kiện khởi nghĩa chín muồi, sẽ hiệu triệu, thúc giục hàng vạn, hàng chục vạn thanh niên đủ các tầng lớp xã hội mạnh mẽ đứng dậy bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc.
Trong cuộc đấu tranh cách mạng vẻ vang của dân tộc, "Lên đàng" trở thành "vũ khí" đấu tranh, động lực thúc đẩy quá trình phát triển của cuộc đấu tranh cách mạng đang trào dâng cuồn cuộn. Ca khúc đã được quần chúng yêu nước và cách mạng vừa hát, vừa xông lên giành chính quyền.
Rõ ràng, việc việc Xứ ủy cùng lúc cho ra đời phong trào thanh niên và lấy ca khúc "Lên đàng" của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước làm đoàn ca đã thể hiện sự hội tụ lịch sử của tiếng hát và cách mạng ở thành phố mang tên Bác. Đồng thời đưa tới cuộc tuần hành thị uy vũ trang rầm rộ vào sáng ngày 25/8/1945 theo nhịp đi của bài hát "Lên đàng" của hơn 1 triệu đồng bào thành phố và từ ngoại ô kéo vào, với sự hưởng ứng của nhân dân các tỉnh lân cận. Tiếng hát "lên đàng" cất lên vang dội thành phố đã để lại dư âm, hào khí không bao giờ tắt.
"Lên đàng" mang dấu ấn lịch sử của thời đại và nghệ thuật âm nhạc đương đại
Ngay sau khi ra đời vào năm 1944, ca khúc "Lên đàng' được phổ biến rộng rãi trong thanh niên và học sinh, là bài hát chính thức của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Trước năm 1976, "Lên đàng" là bài hát chính thức của Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Hồ Chí Minh.
năm 1994, tại Đại hội lần thứ VII Hội người Việt Nam ở Pháp đã vang lên tiếng hát "Lên đàng" của 200 đại biểu. Ca khúc tiếp tục thắp sáng trong tim ngọn lửa yêu quê hương, đất nước, dân tộc của cộng đồng người Việt ở Pháp.
"Lên đàng" với ca từ ca ngợi con người, nêu gương của thế hệ đi trước, các anh hùng dân tộc, những sự kiện lịch sử, kết hợp với nghệ thuật âm nhạc dân gian, dân tộc phù hợp truyền thống đương đại. Ca khúc "Lên đàng" đã thể hiện được phương châm dân tộc, khoa học và đại chúng trong Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943.
Với thế hệ trẻ hôm nay, tinh thần lên đàng của mùa thu 79 năm trước vấn đang được tiếp nối. "Lên đàng" giống như lời hiệu triệu tinh thần yêu nước và khát vọng cống hiến xây dựng đất nước. Tinh thần của Cách mạng tháng Tám vẫn đang được tiếp nối hàng ngày, hàng giờ.
"Lên đàng" trong ký ức của những nhân chứng lịch sử
"Lên đàng" của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã trở thành lời hiệu triệu suốt 79 năm qua. Điệp khúc "nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng" đã luôn cất lên một cách đầy hùng tráng với thế hệ trẻ Việt Nam.
90 năm tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, cuộc đời gắn với những bước ngoặt lịch sử của đất nước, ông Nguyễn Trọng Xuất vẫn còn nhớ như in ký ức những ngày tháng 8/1945. Năm ấy, ông là cậu thiếu niên tiền phong và cũng thuộc lòng ca khúc "Lên đàng". Ký năm đó của ông gắn liền với "Lên đàng", bài hát giống như ngọn đuốc sáng soi đường cho hàng trăm ngàn thanh thiếu niên Nam Bộ thời bấy giờ.
Nhà văn quân đội Hoàng Xuân Huy (82 tuổi) cũng từng có tuổi thơ gắn liền với ca khúc "Lên đàng". Ông vẫn còn nhớ, năm 11 tuổi đã theo đoàn người vừa đi vừa hát "Lên đàng". Đi bộ vòng vèo trong làng nhiều lần, rồi sau đó đi 32km, cả đi và về không biết mệt, cùng đoàn người từ nhà ông ở làng Vĩnh Xuân (Trà Ôn, Cần Thơ - nay là xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) đến Cầu Kè (nay là huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) tham gia Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Nhà văn Trần Bạch Đằng cho biết, nói riêng ở Sài Gòn và Nam Bộ, có lẽ những người lớn lên và trải qua thời gian sau khởi nghĩa Nam Kỳ đều thuộc "Tiếng hát sinh viên" và "Lên đàng". Ca khúc "Lên đàng" dường như đã "ngự trị" đỉnh cao của nhạc yêu nước và chiến đấu. Tự bản thân nó đã kết nối quần chúng với nhau, kết nối quần chúng với cách mạng. Già cũng hát, trẻ cũng hát, khăn đóng áo dài cũng hát, áo choàng linh mục cũng hát, áo cà sa nhà sư cũng hát... "Lên đàng" cùng với chiếc nón rơm và ngọn tầm vông đã đi vào lịch sử dân tộc.
"Ở phương diện này, Lưu Hữu Phước là một nhạc sĩ của công chúng, một nhạc sĩ của hành động chưa có người thay thế ở Việt Nam", nhà văn Trần Bạch Đằng nhận định.
Còn nhà thơ Nguyễn Đình Thi nhận xét: "Những năm tháng trước cách mạng, trong phong trào thanh niên và sinh viên yêu nước, tôi đã được biết đến bài hát của Lưu Hữu Phước, nhất là 'Tiếng gọi thanh niên' và 'Lên đàng'. Đó là những bài hát khí phách hào hùng, lôi cuốn mạnh mẽ. Nét nhạc của Lưu Hữu Phước vừa khỏe vừa tươi tắn, mang đậm chất dân tộc và màu sắc Nam Bộ, không thể lẫn được. Những bài hát đã vang vọng trên các đường phố Sài Gòn cuồn cuộn hàng chục vạn người khởi nghĩa, tháng Tám năm 1945".
Xem thêm: Lời bài hát "Tiến về Sài Gòn" của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận