"Bộ đội về làng": Bài thơ hay nhất của Hoàng Trung Thông và ca khúc thành công nhất của Lê Yên

Ca khúc "Bộ đội về làng" của nhạc sĩ Lê Yên (phổ thơ Hoàng Trung Thông) thấm đẫm tình quân dân, như tiếng lòng của người dân kháng chiến với bộ đội cụ Hồ...

Đỗ Thu Nga
16:18 28/06/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

VỀ CA KHÚC "BỘ ĐỘI VỀ LÀNG"

  • Tên ca khúc: Bộ đội về làng
  • Nhạc sĩ sáng tác: Lê Yên
  • Thể loại: Nhạc tiền chiến
  • Năm ra đời: 1950
  • Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Thúy Lan, Thu Hiền...

Ca khúc "Bộ đội về làng" ra đời trong hoàn cảnh nào?

Hình ảnh bộ đội Cụ Hồ trở thành mẫu hình về con người có lý tưởng cao đẹp, có đạo đức sáng trong, thực hiện trọn vẹn, xuất sắc chỉ thị, lời dặn và niềm tin sâu sắc của Bác. Đặc biệt trong những năm kháng chiến, hình ảnh bộ đội Cụ Hồ được khắc họa vô cùng sinh động trong các trang thơ văn, hội họa.

Riêng trong lĩnh vực âm nhạc, nói đến bộ đội cụ Hồ là chúng ta nghe vang rền giai điệu hành quân. Ấy là "Hành quân xa" (Đỗ Nhuận), "Đường ra trận mùa xuân" (Cẩm La), "Cùng anh tiến quân trên đường dài" (Huy Du - Xuân Sách), "Hành khúc ngày và đêm" (Phan Huỳnh Điểu)...

Nhưng cũng có hình ảnh bộ đội Cụ Hồ bình dị "về làng" cùng nỗi nhớ mong của nhân dân: 

"Các anh đi

Ngày ấy đã lâu rồi

Xóm làng tôi còn nhớ mãi...

...Các anh về mái ấm nhà vui

Tiếng hát câu cười

Rộn ràng xóm nhỏ"

Đó là những câu thơ trong bài thơ "Bao giờ trở lại của thi sĩ Hoàng Trung Thông (1925 - 1993) và cũng là câu hát trong ca khúc "Bộ đội về làng" của Lê Yên. Bài thơ "Bao giờ trở lại" được Hoàng Trung Thông sáng tác sau ngày toàn quốc kháng chiến chống Pháp. Sức lan tỏa của bài thơ khi ấy vô cùng mạnh mẽ. Bài thơ đầm ấm tình quân dân, ân tình chuyện hậu phương tiền tuyến mà mỗi làng quê Việt Nam là "quê hương anh bộ đội". 

hoan-canh-sang-tac-ca-khuc-bo-doi-ve-lang-cua-nhac-si-le-yen-9
Bài thơ "Bao giờ trở lại" của Hoàng Trung Thông

Về chuyên môn âm nhạc, nhất là trong phạm trù phổ nhạc từ thơ, các nhạc sĩ rất chú trọng đến thể thơ. Hoàng Trung viết "Bao giờ trở lại" theo thể thơ tự do. Ấy là một thử thách với nhạc sĩ phổ nhạc. Nhưng vốn là nhạc sĩ có tài và đậm chất dân ca truyền thống nên Lê Yên đã thành công khi sáng tác "Bao giờ trở lại" thành hợp xướng "Bộ đội về làng" vào năm 1950. 

Nhớ lại những năm tháng này, lúc sinh thời, nhạc sĩ Lê Yên từng kể: "Đầu năm 1950, tôi được điều lên Việt Bắc, một thời gian ngắn tôi nhận được một tập thơ của anh Hoàng Trung Thông. Chọn 'Bao giờ trở lại', tôi cặm cụi làm đến cuối năm thì xong. Bài hát đã được bộ đội phổ biến hát, rồi bà con các thôn xóm nhiều nơi hát, Hội Văn nghệ đề nghị đổi tên là 'Bộ đội về làng'. Tôi nhớ hồi làm xong, lần đầu tiên do một chị văn công hát, được chiến sĩ vỗ tay nhiệt liệt lắm". 

Có thể nói, ca khúc "Bộ đội về làng" thấm đẫm tình quân dân, như tiếng lòng rất tự nhiên của người dân kháng chiến với bộ đội Cụ Hộ. Và có lẽ đây là bài thơ hay nhất của Hoàng Trung Thông và là ca khúc thành công nhất của Lê Yên.

"Bộ đội về làng" - dấu ấn về bản lĩnh sáng tạo âm nhạc đậm đà bản sắc dân tộc của Lê Yên

"Bộ đội về làng" được đánh giá là nhạc phẩm mang dấu ấn về bản lĩnh sáng tạo âm nhạc đậm đà bản sắc dân tộc của Lê Yên. Ca khúc này đã được Hội Văn nghệ Việt Nam tặng thưởng. 

Ca khúc "Bộ đội về làng" cũng cho thấy rõ sự nhuần nhuyễn, tinh tế trong cách sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian, chủ yếu là "Hò giã gạo" - một làn điệu dân ca quen thuộc ở vùng Bình - Trị - Thiên. 

hoan-canh-sang-tac-ca-khuc-bo-doi-ve-lang-cua-nhac-si-le-yen-8
Ca khúc "Bộ đội về làng)
hoan-canh-sang-tac-ca-khuc-bo-doi-ve-lang-cua-nhac-si-le-yen-7

Nhạc phẩm "Bộ đội về làng" còn cho thấy khả năng thoát khỏi sự lệ thuộc vào thơ khi phổ nhạc để ngôn ngữ âm nhạc được bay cao bay xa từ lời thơ gốc. Điều này khác hẳn với cách phổ thơ như "hát thơ" của Văn Phụng với kỹ thuật Tây phương cũng từ bài thơ của Hoàng Trung Thông nhưng lấy tự đề là "Các anh đi". Theo nhiều đánh giá, "Bộ đội về làng" của Lê Yên xứng đáng đứng cùng "Trường ca sông Lô", "Người Hà Nội", "Ba Đình nắng", "Du kích sông Lô". "Trường chinh ca"... 

Nếu am hiểu về nhạc luật, có thể dễ dàng nhận thấy, ở "Bộ đội về làng", những đoạn nhạc dạo, nhạc bắc cầu, nhạc xe kẽ là thành phần hữu cơ của tuyến giai điệu. Đó là cách tư duy "nhạc lồng" kiểu Việt như lưu không trong chèo chẳng hạn, một tư duy đã có trước tư duy "nhạc đêm" của phương Tây. 

Cảm nhận của công chúng về ca khúc "Bộ đội về làng"

Theo VOV, năm 2001, bài hát "Bộ đội về làng" được chọn để thính giả viết lời bình, cảm nhận để tham gia mục "Bạn yêu nhạc bình nhạc".

Khi ấy, bác Nguyễn Ngọc Cầu (thôn Hiền Ninh, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã viết những dòng cảm xúc về ca khúc "Bộ đội về làng". Bác Cầu chia sẻ: "Đây là một nhạc phẩm rất hay, có giá trị về thơ và nhạc: mộc mạc, dân giã, chân thực, rất đời thường thân thương mà tình cảm sâu đậm. Ca khúc đã đi vào lòng người một cách tự nhiên bằng những câu thơ về hình ảnh bộ đội, các em nhỏ và người mẹ già. Bộ đội và nhân dân là một thể thống nhất. Những hình ảnh, chi tiết trong bức tranh quân dân như xóm nhỏ, ngõ trước, lưng sâu... đặc biệt là chi tiết 'bịn rịn áo nâu', rồi 'nồi cơm nấu dở', 'bát nước chè xanh" đều được tả rất thực, rất nông thôn Việt Nam. Xin chân thành cảm ơn nhà thơ và nhạc sĩ đã sáng tạo ra bài hát chân thực, xúc động về tình cảm quân - dân, nét độc đáo của chiến tranh Việt Nam, giá trị tinh thần cao quý của cách mạng Việt Nam".

hoan-canh-sang-tac-ca-khuc-bo-doi-ve-lang-cua-nhac-si-le-yen-5
Tình quân dân thắm đượm trong ca khúc "Bộ đội về làng" (Ảnh minh họa)

Trong lá thư gửi về chuyên mục "Bạn yêu nhạc bình nhạc", chị Lê thị Ánh Ngọc (thôn Lãnh Thượng, thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) biết:  "Từ lâu nghe lại các ca khúc cách mạng là sở thích của em. Song em còn đang ngồi trên ghế nhà trường, có thể kiến thức chưa rộng nhưng em cũng có một chút hiểu biết về những ca khúc trong thời kỳ kháng chiến. Và mỗi khi nghe 'Bộ đội về làng' lòng em lại xao xuyến xúc động về tình quân dân chân thành, mộc mạc, tha thiết; giữa hậu phương và tiền tuyến. Tình cảm đó vững bền như lòng dân tin yêu Đảng, với Bác Hồ và sự nghiệp cách mạng..". 

Bạn Đỗ Chí Nam (sinh viên lớp Văn Sử khóa 6, trường Cao đẳng sư phạm Thái Nguyên) chia sẻ: "Cái tên của ca khúc đã nói lên tất cả nội dung bài hát. Một bài hát hay về tình quân dân. Không hẹn mà gặp, thi sĩ Hoàng Trung Thông và nhạc sĩ Lê Yên hai tâm hồn đồng điệu đều tìm đến một cái đích chung là sáng tác về tình quân dân. Hồn thơ và điệu nhạc hòa quyện vào nhau, thăng hoa cùng nhau trở thành một bài hát ấm áp về tình quân dân....".

Lời ca khúc "Bộ đội về làng" 

Các anh đi ngày ấy đã lâu rồi

Xóm làng tôi còn nhớ mãi

Ước mong sao đến khi nào trở lại

Đón mừng ngày vui chiến thắng về qua

Các anh về mái ấm nhà vui

Cất tiếng hát câu cười rộn ràng trong xóm nhỏ ớ ơ

Các anh về tưng bừng trước ngõ

Lớp lớp đàn em hớn hở chạy theo sau

Mẹ già bịn rịn áo nâu

Vui đàn con ở rừng sâu mới về

Từ lưng đèo dốc đá mù che

Các anh về xôn xao làng tôi bé nhỏ hơ

Nhà lá đơn sơ với những tấm lòng rộng mở hờ hơ hớ hơ hờ hơ

Nồi cơm nấu dở bát nước chè xanh

Ngồi vui ớ hơ ta kể chuyện tâm tình bên ơ nhau

Các anh về mái ấm nhà vui

Cất tiếng hát câu cười rộn ràng trong xóm nhỏ ơ

Các anh về tưng bừng trước ngõ

Lớp lớp đàn em hớn hở chạy theo sau

Mẹ già bịn rịn áo nâu

Vui đàn con ở rừng sâu mới về

Từ lưng đèo dốc đá mù che

Các anh về xôn xao làng tôi bé nhỏ hơ

Nhà lá đơn sơ những tấm lòng rộng mở hờ hơ ớ ơ hờ ơ

Nồi cơm nấu dở bát nước chè xanh

Ngồi vui ớ ơ ta kể chuyện tâm tình bên ơ nhau

Nhớ khi xưa làng xóm cũ dân nghèo

Sống thầm đêm dài tăm tối

Mấy năm qua ấm no mừng cuộc đời

Cấy hái tốt tươi vườn đất nhà vun xới ơ

Các anh về đây quê mình nay hớn hở hơ

Ruộng đất quê ta như dềnh biển cả hà ha há ha hà ha

Giờ đây phấn khởi cuốc bẫm cày sâu

Niềm tin thiết tha ơn Cụ Hồ muôn đời bao ơ la

Xem thêm: Hoàn cảnh ra đời ca khúc "Họp mặt lần cuối": Lời giã từ tuổi học trò đầy day dứt

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận