Ca khúc "Tiếng dương cầm" của Văn Phụng: Viết về tình yêu nhưng kén người nghe, vì sao vậy?
"Tiếng dương cầm" chất chứa những xúc cảm chân thật của nhạc sĩ Văn Phụng viết về cuộc gặp gỡ định mệnh với người tình trăm năm.
CA KHÚC "TIẾNG DƯƠNG CẦM"
- Tên ca khúc: Tiếng dương cầm
- Sáng tác: Nhạc sĩ Văn Phụng
- Thể loại: Nhạc trữ tình
- Năm ra đời: 1955
- Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Danh ca Anh Ngọc
Ca khúc "Tiếng dương cầm" ra đời trong hoàn cảnh nào?
Nhạc sĩ Văn Phụng nổi danh với tài sáng tác và hòa âm điêu luyện. Cho đến khi qua đời, ông sáng tác hàng trăm ca khúc, trong đó có nhiều bài hát bất hủ như: Các anh đi, Trăng sáng vườn chè, Ta vui ca, Tôi đi giữa hoàng hôn, Yêu, Tiếng dương cầm, Suối tóc...
Trong có ca khúc "Tiếng dương cầm" và "Suối tóc" được viết để tặng vợ là danh ca Châu Hà. Trong đó, ca khúc "Tiếng dương cầm" viết về ấn tượng trong lần gặp gỡ định mệnh với Châu Hà vào năm 1952. Ca khúc được Văn Phụng sáng tác vào năm 1955.
Kể về cuộc gặp gỡ định mệnh này, danh ca Châu Hà chia sẻ trên đài RFA như sau: Ngày xưa, ở Hải Phòng, ba của Văn Phụng thuê nhà của ba ca sĩ Châu Hà. Một ngày nọ, chàng nhạc sĩ trẻ đến thăm ông cụ. Lúc đó, Châu Hà đang ngồi vừa hong tóc vừa dạo đàn. Khi nghe thấy tiếng đàn piano trên lầu, Văn Phụng đã rất tò mò và bước lên cầu thang, đứng ở ngưỡng cửa.
"Tôi đang dạo đàn thì trông thấy bóng người đứng ở ngưỡng cửa, tôi quay ra thì ra là một chàng trai, không quen biết. Anh ấy cúi đầu chào và tự giới thiệu “Tôi là Văn Phụng, tôi đến thăm thày tôi ở dưới nhà mà tôi nghe thấy tiếng đàn ở trên này, tôi đánh bạo lên đây để làm quen. Thì ra cô đang đánh đàn. Anh ấy nhìn tôi kỹ hơn, khi thấy tóc tôi dài chấm đất thì anh ấy buột miệng nói: “Suối Tóc”! Rồi anh ấy quay lại hỏi tôi là cô đang dạo bài gì đó mà sao nghe hay thế. Tôi trả lời là của Eddy Duchin thì anh ấy mới bảo “Xin phép cô cho tôi dạo thử một tí được không?” Tôi bảo “Vâng, mời anh ngồi”. Anh ấy đàn thì tôi mới biết rằng tôi vừa mới múa rìu qua mắt thợ. Anh nhìn bản nhạc và đàn hay quá. Mặc dù lần đầu chơi cái bản nhạc này mà anh ấy đàn như mưa như gió, rất là hay! Thành đó là một cái kỷ niệm rất đẹp trong đời chúng tôi. Năm đó là năm 1952”, danh ca Châu Hà chia sẻ.
Nhạc sĩ Văn Phụng đã biến tiếng đàn trong cuộc gặp lần đầu tiên trở thành nhạc phẩm về tình yêu đôi lứa. Và trở thành ca khúc đặc biệt với ông, lưu lại dấu ấn đẹp về mối tình nhiều trắc trở nhưng lại trả về cái kết có hậu.
Ca khúc "Tiếng dương cầm" có thể không nổi tiếng hoặc được yêu thích như "Ô mê ly", "Tôi đi giữa hoàng hôn" và nhiều ca khúc khác. Bài hát này cũng kén người nghe, không dễ để hát hay. Nhưng toàn bộ ca khúc là giai điệu nhẹ nhàng, là tình cảm chân thực của tác giả.
Ca khúc này được thu âm trước thập niên 1960. Đây là lần hiếm hoi Thái Thanh hát bè cho phần lĩnh xướng của Anh Ngọc. Hát bè cùng Thái Thanh còn có các danh ca như Mai Hương, Mộc Lan.
Ca khúc "Tiếng dương cầm" - Cuộc gặp gỡ định mệnh với người tình trăm năm
Sau khi nghe được tiếng đàn và chiêm ngưỡng dung nhan của người con gái, nhạc sĩ Văn Phụng dường như rơi vào lưới tình. Ông xem lần gặp vô tình đầu tiên đó là định mệnh trời cho. Và từ những ký ức êm đềm về cuộc gặp định mệnh, ông cho ra mắt ca khúc "Tiếng dương cầm":
"Nhớ hôm nào màu xuân mới sang
Muôn bầy chim ca hót vang
Tung cánh nhẹ bay la đà
Bướm khoe mình trên muôn cánh hoa
Chập chờn tung bay thướt tha
Đùa giỡn trong tia nắng vàng..."
Đúng như tựa đề "Tiếng dương cầm", ca khúc tựa như một dòng âm thanh tuôn trào lai láng theo dòng cảm xúc của tác giả và thường được ca sĩ hát chỉ với phần đệm đàn piano thánh thót.
Mở đầu ca khúc, nhạc sĩ nhớ về mùa xuân của một ngày đã qua: "Nhớ hôm nào mùa xuân mới sang...". Năm đó, mùa xuân vừa bước qua thềm cùng bầy chim hót vang chào mừng, có thêm đàn bướm đùa giỡn trong nắng vàng. Ngày xuân càng ý nghĩa hơn khi người bắt gặp được tình yêu của đời mình một cách vô tình:
"Nhớ đêm nào tình xuân ngất ngây
Mưa phùn rơi rơi ướt vai
Đi mãi tìm ai yêu đàn
Bước chân lạc nơi đây chốn nao
Trên lầu ai kia ngất cao
Vang tiếng dương cầm thiết tha
Trầm thầm êm êm thánh thót
Nhịp nhàng khoan thai thắm thiết
Nhạc sầu vang câu luyến tiếc"
"Trên lầu ai kia ngất cao, vang tiếng dương cầm thiết tha" - câu hát này nhắc về kỷ niệm lần đầu nhạc sĩ Văn Phụng gặp danh ca Châu Hà khi đó bà còn ở cùng cha mẹ tại Hải Phòng. Mà cha của Văn Phụng lại thuê nhà của bố Châu Hà. Và mối quan hệ này đã giúp họ gặp được nhau, nghe được tiếng đàn và chìm đắm trong tình yêu đầu đời.
Câu hát "Trầm trầm êm êm thánh thót" mô tả tiếng đàn diễm tuyệt của cô tiểu thư 17 tuổi đang rót rừng nốt nhạc lòng êm ái vào tai người nhạc sĩ trẻ khi lần đầu gặp mặt nhau.
Đời người, ai cũng cần có một cuộc gặp gỡ như vậy và chỉ một lần gặp thôi là đủ cho một đời không hối tiếc:
"Người ơi còn nhớ
Chopin ngày xưa vì ai dệt nên câu nhạc lâm ly
Cho đời say trong ý thơ
Cho hồn bay theo tiếng tơ
Về phía trời xa xa mờ
(Ở đoạn này, các ca sĩ hát lời khác nhau, xin chép đúng lời in trong tờ nhạc đã phát hành)
Khi hát, danh ca Thái Thanh đã hát đoạn này như sau:
"Cho đời say trong tiếng tơ
Cho tình dâng muôn ý thơ
Dù cõi lòng ai mong chờ..."
Cả danh ca Châu Hà và nhạc sĩ Văn Phụng đều được tiếp xúc với âm nhạc phương Tây, nhạc cổ điển từ sớm và ca khúc Chopin như là sợi dây kết nối hai trái tim, mang đến sự giao cảm lạ kỳ, chỉ mới gặp lần đầu mà đôi người như đã trở thành tri âm tri kỷ.
Khi sáng tác "Tiếng dương cầm", nhạc sĩ Văn Phụng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời danh ca Châu Hà. Tuy nhiên, trước đó, họ cũng từng trải qua buồn thương, ly biệt. Nay nhĩ lại, tất cả chỉ như mọt giấc mơ:
"Tiếng dương cầm còn vang thiết tha
Riêng mình ta đây với ta
Chìm đắm trong một giấc mơ..."
Xem thêm: Chuyện tình Văn Phụng - Châu Hà: Yêu nhau từ thời đầu xanh đến khi tóc điểm bạc nên duyên vợ chồng
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận