Hoàn cảnh ra đời "Thằng Cuội": Ca khúc thiếu nhi hay nhất của nhạc sĩ Lê Thương

Trung thu của trẻ em Việt Nam trở nên sinh động hơn khi có sự xuất hiện của ca khúc "Thằng Cuội" do nhạc sĩ Lê Thương sáng tác. Ca khúc này vẫn còn sức sống cho đến tận hôm nay.

Đỗ Thu Nga
14:00 11/07/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

VỀ CA KHÚC "THẰNG CUỘI"

  • Tên ca khúc: Thằng Cuội
  • Nhạc sĩ sáng tác: Lê Thương
  • Thể loại: Nhạc thiếu nhi
  • Năm ra đời: Thập niên 1950
  • Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Bích Huyền

Ca khúc "Thằng Cuội" ra đời trong hoàn cảnh nào?

Nhạc sĩ Lê Thương được đánh giá là một trong những nhân vật tiên phong viết nhạc cải cách với ca khúc "Bản đàn xuân", sau đó là "Tiếng đàn đêm khuya", "Một ngày xanh"... Và nổi tiếng nhất là trường ca "Hòn vọng phu".

Tuy nhiên, người thầy giáo đa tài này còn sáng tác ở nhiều thể loại nhạc khác nữa, trong đó cũng rất nổi tiếng với nhạc thiếu nhi. "Thằng Cuội" được xem là ca khúc thành công nhất của nhạc sĩ Lê Thương. Cho đến nay, "Thằng Cuội" vẫn được hát vào mỗi dịp Trung thu.

Ca khúc "Thằng Cuội" được tác giả Lê Thương sáng tác vào thập niên 1950. Trong thời gian này, ông cùng với nhạc sĩ Lê Cao Phan phụ trách ban nhạc Măng Non cho trẻ em. Ban nhạc thực hiện phát thanh các truyện cổ tích, các ca khúc dân ca, thiếu nhi cho trẻ em. 

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-thang-cuoi-cua-nhac-si-le-thuong-90
Bìa tờ nhạc "Thằng Cuội"

Sự gắn bó với thiếu nhi đã tạo ra xúc cảm để nhạc sĩ Lê Thương sáng tác nên rất nhiều ca khúc dành cho lứa tuổi măng non của đất nước. Ông cũng được xem là một trong những nhạc sĩ mở đầu của dòng nhạc dành cho thiếu nhi: Tuổi thơ, Con mèo trèo cây cau, Thằng bé tí on, Cô bán bánh, Ông Nhang bà Nhang, Truyền kỳ Việt sử, Học sinh hành khúc.... Nhưng nổi tiếng nhất là "Thằng Cuội". 

Những ca từ mộc mạc mà quen thuộc trong ca khúc "Thằng Cuội" đã trở thành hồi ức đẹp đẽ trong lòng nhiều thế hệ người Việt Nam. Giai điệu của ca khúc này trong veo như một khúc đồng dao và nó rất đúng với quan điểm sáng tác của nhạc sĩ Lê Thương: Âm nhạc phải mang đậm phong vì dân tộc, như thế thì mới sống lâu được. 

"Thằng Cuội" với không gian tuổi thơ mộng mơ

"Bóng trăng trắng ngà

Có cây đa to

Có thằng Cuội già ôm một mối mơ

Lặng Yên ta nói Cuội nghe:

"Ở cung trăng mãi làm chi"

Bóng trăng trắng ngà

Có cây đa to

Có thằng Cuội già ôm một mối mơ..."

Ngay tựa đề ca khúc, nhạc sĩ Lê Thương đã dùng chữ "thằng", đây là cách gọi đầy dân dã và gần gũi như cách dân gian vẫn gọi thằng Mõ, thằng Bờm. Cuội cứ ngồi nơi cung trăng ôm mối mơ đã trở thành vĩnh cửu. Bao năm qua, các em nhỏ vẫn ngóng lên bóng trăng rằm có một vệt đen giống như hình dáng "thằng Cuội già" đang ngồi gốc đa và thắc mới "Cuội ở cung trăng mãi làm chi?".

Ở đoạn tiếp theo của ca khúc: "Gió không có nhà/ Gió bay muôn phương/ Biền biệt chẳng ngừng/ Trên trời nước ta..." - nhạc sĩ Lê Thương đã mượn câu chuyện của trăng gió để nói về những thắc mắc hồn nhiên của tuổi thơ. Chúng ta ai cũng từng có tuổi thơ và đều từng nhìn lên những ngọn cây lắc lư rồi tự hỏi gió rung cây kia từ đâu đến, trăng kia vì sao cứ kiên trì theo gót ta mãi.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-thang-cuoi-cua-nhac-si-le-thuong-6
Sheet nhạc "Thằng Cuội" của nhạc sĩ Lê Thương

Trong nhạc phẩm này, Lê Thương còn lồng ghép những hình ảnh gần gũi trong cuộc vào. Sau đó, nhạc sĩ đã có những lý giải mới lạ với các hiện tượng thiên nhiên. Có lẽ trẻ em thành phố bây giờ không biết tiếng dế mèn "hát xẩm không tiền" suốt đêm khuya, kết hợp với những tiếng kêu xa vắng não lùng của lũ sâu đất và muôn loài côn trung khác từ những bãi hoang nghe như là đến từ cõi khác, là những âm vang đã đi sâu vào tâm khảm một thời thơ dại. 

Nghe tiếng công trùng kêu ra mà ông trời cũng phải mủi lòng, ban cho ánh sáng chiếu ngàn muôn xuống cõi trần trong đêm trường lung linh huyền ảo, một cảnh tượng đẹp như là để thưởng cho bầy dễ reo đêm: "Sáng rơi xuống đồi/ Sáng leo lên cây/ Sáng mỏi chân rồi/ Sáng ngồi xuống đây...".

"Mười lăm tháng Tám trời cho

Một ông trăng sáng thật to

Các em thích cười

Muốn lên cung trăng

Cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang"

Có một điểm lạ ở ca khúc này, viết về mười lăm tháng tám, về đêm trung thu có trăng tròn, có Cuội già nhưng lại không thấy chị Hằng. Phải chăng hình tượng "sáng" trong đoạn ca khúc này chính là chị Hằng xuống trần vui vầy cùng các bạn nhỏ đón trăng rằm? Ánh sáng huyền diệu của chị Hằng đang soi rọi khắp trần gian, sáng trên đồi, sáng soi cây, sáng đi muôn nơi và mỏi chân thì ngồi xuống để chơi cùng đàn em nhỏ. 

Để lý giải cho điều này, tác giả viết thêm "Cùng trông ánh sáng cười vui, chị em ta hãy đùa chơi"? Ở đây là "chị em" chứ không phải "anh em". Bởi chị ở đây là chị Hằng, chị vui đùa cùng các em nhỏ ngày trung thu.

"Thằng Cuội" thấm đẫm chất tình, chất suy nghiệm vượt khỏi không gian tuổi thơ

Ngoài ý nghĩa ở mặt chữ được giải thích như trên, chúng ta cần hiểu ý nghĩa của ca khúc này ở một góc độ khác chuyên sâu hơn. "Thằng Cuội" của nhạc sĩ Lê Thương thấm đã chất suy nghiệm vượt khỏi không gian tuổi thơ.

Tích xưa xuất hiện mông lung, mờ nhạt chỉ qua vài câu phác thảo đòi hỏi trẻ thơ phải hiểu chuyện từ trước nhiều hơn chứ không đơn giản là học truyện ngược từ ca khúc. Nếu để ý, ta sẽ thấy "thằng Cuội" của Lê Thương là kẻ khù khờ, thậm chí là chán đời. Ngay ở câu mở đầu, ông khẳng định Cuội non dại, chỉ lớn ở thể xác, chỉ là "thằng" chứ không phả "chú" như nhiều người gọi. Cuội chỉ biết "ngồi ôm một mối mơ" với chị Hằng.

Phải chăng đây là dụng ý của Lê Thương khi dùng chữ "thằng" - vốn dĩ được xem là không tôn trọng đối phương, mang tính chất bình dân đi ngược lại với sự trang nhã của thời nhạc tiền chiến. Nhưng xét kỹ thì mới hiểu, Lê Thương dùng "thằng" có ý vừa thể hiện sự gần gũi kiểu trẻ thơ dân gian, cách gọi của thằng Mõ, mụ Độp... vừa muốn Cuội của mình ngây ngô.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-thang-cuoi-cua-nhac-si-le-thuong-8
Bóng trăng đêm rằm Trung thu

Tiếp đó là hình ảnh gã nghệ sĩ dễ mèn hát nỉ non. Không phải ngẫn nhiên, dế mèn lại xuất hiện trong hoàn cảnh rất trái mùa như thế. Tác giả có dụng ý mượn hình ảnh của chú dễ vui đời ca hát nghèo xác xơ để lý giải cho sự tủi thân của thằng Cuội khi chạy theo ảo mộng. Đây là một cách lý giải hợp lý, hợp thời điểm lúc bấy giờ. Kiểu như thằng Cuội nghèo chỉ còn biết "Đứng giữa trời không khóc mộng thiên đường". 

Chính vì vậy, khi trút bỏ lớp áo thiếu nhi, "Thằng Cuội" của Lê Thương vẫn dư sức là một bản tình ca ấp úng, một mảnh tình non dại. Sau này, ca khúc đã được đưa vào tác phẩm điện ảnh "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" của đạo diễn Victor Vũ.  Ca khúc có một cách hát mới, chậm rãi, mộc mạc, tự tình hơn lập tức thu hút được sự quan tâm của khán giả. Người người còn coi đó là bằng chứng cho sức sống vượt thời gian của ca khúc 70 tuổi này. 

Xem thêm: Nhạc sĩ Lê Thương và quan điểm làm nhạc: "Không mang đậm phong vị dân tộc, chớ mong tác phẩm sống lâu được"

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận