"Ly rượu mừng" của Phạm Đình Chương: "Xuân khúc kinh điển của nền tân nhạc Việt Nam"

Theo cố thi sĩ Du Tử Lê, "Ly rượu mừng" là xuân khúc kinh điển của nền tân nhạc Việt Nam. Ca khúc này do Phạm Đình Chương sáng tác và gắn liền với hoạt động của ban hợp ca Thăng Long.

Đỗ Thu Nga
16:09 21/11/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

CA KHÚC "LY RƯỢU MỪNG"

  • Sáng tác: Phạm Đình Chương
  • Thể loại: Nhạc tiền chiến
  • Năm ra đời: 1952
  • Thu âm: Ban hợp ca Thăng Long

Ca khúc "Ly rượu mừng" ra đời trong hoàn cảnh nào?

Nền tân nhạc Việt Nam ghi nhận rất nhiều ca khúc viết về dịp Tết đến xuân sang với tâm trạng vui hân hoan và xem lẫn là cả nỗi buồn miên man. Trong hàng trăm ca khúc nổi tiếng về mùa xuân, ca khúc được xưng tục là "đệ nhất xuân ca" chính là "Ly rượu mừng".

"Ly rượu mừng" là nhạc khúc mùa xuân được chắp bút bởi nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Ông viết ca khúc này vào năm 1952, trước sự kiện ký kết Hiệp định Genève và từng luôn được nghe tới trong dịp Tết Nguyên đán ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975. 

"Ly rượu mừng" chứa đựng những lời chúc Tết Nguyên đán đến mọi người. Đó là lời chúc ấm no, hạnh phúc trong khung cảnh đất nước thanh bình, tự do.  

Ca khúc này được nhạc sĩ Phạm Đình Chương viết theo điệu nhạc valse, đem đến nét tươi vui, sôi động khi mùa xuân về. Điệu vanxơ và tiết tấu có nhiều khía cạnh linh hoạt theo nội dung, thích hợp cho hợp ca hoặc phối hợp giữa hợp ca và đơn ca.

Ca khúc "Ly rượu mừng" được trình bày đầu tiên bởi ban hợp ca Thăng Long với 4 anh chị em nhà họ Phạm là Hoài Trung, Hoài Bắc, Thái Hằng, Thái Thanh ở Sài Gòn. Từ đó, ca khúc này luôn được hát trong những ngày đón xuân cho đến 1975 và sau đó là phổ biến ở hải ngoại.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-ly-ruou-mung-cua-nhac-si-pham-dinh-chuong-0
Tờ bìa nhạc ca khúc "Ly rượu mừng"

Sau khi Việt Nam thống nhất, ca khúc không được phép phổ biến trên toàn quốc. Đến đầu năm 2016, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp phép cho Phương Nam Film (PNF) được phổ biến ca khúc "Ly rượu mừng" ở Việt Nam. Nhân dịp này, PNF đã phát hành CD Hợp tuyển Xuân chọn lọc với chủ đề "Ly rượu mừng" cho xuân Bính Thân 2016. Ca sĩ Quang Dũng và Phạm Thu Hà được chọn để thể hiện ca khúc này trong lần đầu ra mắt ở trong nước. Ca sĩ Đức Tuấn cũng phát hành một video ghi hình trong phòng thu âm.

Nhắc về lý do ca khúc "Ly rượu mừng" không được phổ biến trong hơn 40 năm, nhà báo Nguyên Minh (Thanh Niên Online) chia sẻ: Vì lời ca khúc này có nhắc đến người lính với những từ ngữ như "binh sĩ", "đời lính". Sau này, khi PNF cùng gia đình nhạc sĩ Phạm Đình Chương lật lại các ghi chép cũ thì họ cho rằng "binh sĩ" ở đây đơn thuần là những người theo phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp thời đó. 

Dưới đây là lời ca khúc "Ly rượu mừng" của nhạc sĩ Phạm Đình Chương:

Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi

Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi

Người thương gia lợi tức

Người công nhân ấm no

Thoát ly đời gian lao nghèo khó

Há a a a (lá là là lá la, là là lá la, là la lá la)

Nhấp chén đầy vơi chúc người người vui

Á a a a (lá là là lá la, là là lá la, là la lá la)

Muôn lòng xao xuyến duyên đời

Rót thêm tràn đầy chén quan san

Chúc người binh sĩ lên đàng

Chiến đấu công thành

Sáng cuộc đời lành

Mừng người vì nước quên thân mình

Kìa nơi xa xa có bà mẹ già

Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa

Chúc bà một sớm quê hương

Bước con về hòa nỗi yêu thương

Á a a a (lá là là lá la, là là lá la, là la lá la)

Hát khúc hoàn ca thắm tươi đời lính

Á a a a (lá là là lá la, là là lá la, là la lá la)

Chúc mẹ hiền dứt u tình

Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương

Xây tổ ấm trên cành yêu đương

Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ

Tiếng thi ca nét chấm phá tô lên đời mới

Bạn hỡi, vang lên

Lời ước thiêng liêng

Chúc non sông hoà bình, hoà bình

Ngày máu xương thôi tuôn rơi

Ngày ấy quê hương yên vui

Đợi anh về trong chén tình đầy vơi

Cất cao ly lên (lá là là lá la, là là lá la, là la lá la)

Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do

Nước non thanh bình (lá là là lá la, là là lá la, là la lá la)

Muôn người hạnh phúc chan hoà

Kìa nơi xa xa có bà mẹ già

Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa

Chúc bà một sớm quê hương

Bước con về hòa nỗi yêu thương

Á a a a (lá là là lá la, là là lá la, là la lá la)

Hát khúc hoàn ca thắm tươi đời lính

Á a a a (lá là là lá la, là là lá la, là la lá la)

Chúc mẹ hiền dứt u tình

Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương

Xây tổ ấm trên cành yêu đương

Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ

Tiếng thi ca nét chấm phá tô lên đời mới

Bạn hỡi, vang lên

Lời ước thiêng liêng

Chúc non sông hoà bình, hoà bình

Ngày máu xương thôi tuôn rơi

Ngày ấy quê hương yên vui

Đợi anh về trong chén tình đầy vơi

Cất cao ly lên (lá là là lá la, là là lá la, là la lá la)

Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do

Nước non thanh bình (lá là là lá la, là là lá la, là la lá la)

Muôn người hạnh phúc chan hoà

Ước mơ hạnh phúc nơi nơi

Hương thanh bình dâng phơi phới

"Ly rượu mừng" và truyền thống đón Tết của người Việt

"Ly rượu mừng" là nhạc phẩm có lời ca giản dị, dễ hát, dễ nhớ đã đi vào lòng bao thế hệ người Việt. Xuân là lý do, là chiếc phông nền êm dịu cho những lời chúc tụng vang ca khắp nơi nơi: "Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi"...

Với người Việt, mùa xuân là khởi đầu của một năm mới, một vòng tuần hoàn mới sẽ lặp lại. Trong những ngày cuối năm, khắp nơi rộn rã không khí "tống cựu nghinh tân", nhà cửa được dọn rửa gọn gàng, sạch sẽ để tống tiễn những "vía" xấu, những khó khăn của năm cũ để đón một năm mới thật may mắn. Đó cũng là lý do vì sao người Việt thường xuyên dọn rửa nhà cửa vào những ngày giáp Tết, đốt rác vào lúc sắp giao thừa và mở rộng cửa chuẩn bị đón khách vào sáng mùng một. 

Khách đến nhà vào những ngày Tết sẽ mang đến những lời chúc may mắn cho gia chủ. Nhận được càng nhiều lời chúc may mắn thì càng củng cố niềm tin về một năm mới may mắn, bình an, thành công. Việc gặp gỡ chúc tụng dịp năm mới còn thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn: "Mùng một Tết Cha, mùng hai Tết Mẹ, mùng ba Tết Thầy". Đây cũng là dịp để bày tỏ sự biết ơn đến với gia tiên tiền tổ, thể hiện sự quan tâm đến người già, sự yêu thương các em nhỏ trong gia đình...

Thấm thía truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã đem lời chúc tụng của mình trao hết cho mọi người qua lời hát:

"Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi

Người thương gia lợi tức

Người công nhân ấm no

Thoát ly đời gian lao nghèo khó"

"Anh nông phu", "người thương gia", "người công nhân", "người người"... đều được nhắc đến trong "Ly rượu mừng" với những lời chúc tụng hồ hởi, hồn nhiên, chân thành, không phân biệt, không câu nệ. Đó là tinh thần hào sảng, phóng khoáng của người Việt thể hiện trong mỗi dịp Tết. Dù cả năm có vất vả, tiết kiệm cỡ nào thì Tết cũng phải vui vầy, hân hoan. 

Trong những ngày năm mới, các gia đình thường vui vầy bên nhau, kể lại những chuyện đã qua, chia sẻ những dự định trong thời gian tới. Và không khí vui vẻ ấy cũng được nhạc sĩ Phạm Đình Chương đưa vào ca khúc:

"Nhấp chén đầy vơi

Chúc người người vui

Muôn lòng xao xuyến duyên đời"

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-ly-ruou-mung-cua-nhac-si-pham-dinh-chuong-9
Tờ nhạc "Ly rượu mừng"

Ở những câu hát tiếp theo, nhạc sĩ dành những lời hào sảng, trang trọng để tri ân những người "vì nước quên thân":

"Rót thêm tràn đầy chén quan san

Chúc người binh sĩ lên đàng

Chiến đấu công thành

Sáng cuộc đời lành

Mừng người vì Nước quên thân mình"

Trong những lời chúc tụng, tri ân đầu năm, Phạm Đình Chương cũng không quên nhắc đến những người binh sĩ khí khái, kiên trung. Đó là những người con ưu tú, oai hùng của nước Việt. Trong những câu hát chúc tụng dành cho "người binh sĩ", từ lời ca đến nhịp điệu đều văng vẳng, hào hùng khác hẳn lời chúc dành cho nông dân, công nhân, thương gia... phía trên. Nhạc sĩ không dùng hình ảnh "nâng chén" hay "nhấp chén" mà "rót cho tràn đầy chén quan san" vô cùng hào sảng, đậm chất quân ca... 

Từ góc nhìn của người lính, nhạc sĩ thấy những người mẹ già đang mong ngóng con trở về:

"Kìa nơi xa có bà mẹ già

Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa

Chúc bà một sớm quê hương

Bước con về hòa nỗi yêu thương

Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính

Chúc mẹ hiền dứt u tình"

Niềm tự hào về những người con "binh sĩ" cũng chính là nỗi đau trong "mắt vương lệ nhòa" của những bà mẹ già nơi quê nhà. Ca khúc chùng nhẹ xuống trong vài giây rồi lại được thổi bùng lên với câu hát chúc tụng giản dị: "Chúc bà một sớm quê hương, bước con về hòa nỗi yêu thương".

Thực vậy, chẳng có lời chúc nào xứng đáng, ý nghĩ hơn lười chúc được sum vầy với người con "binh sĩ" đi đánh giặc xa nhà trong dịp Tết đến xuân về. Nếu điều đó không thể thành sự thật thì xin "hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính" để "chúc mẹ hiền dứt u tình", mong mẹ vơi vai phần nào nỗi u buồn, mong nhớ con.

Sống trong cảnh loạn lạc, niềm vui ngày Tết sẽ xen lẫn nỗi buồn. Nhưng những lời chúc hoan ca trở thành "món ăn tinh thần" giúp chúng ta có thêm niềm tin vào cuộc sống vào tương lai hòa bình, hạnh phúc.

Ở đoạn tiếp theo, Phạm Đình Chương đưa khán giả quay lại với lời chúc tụng về cuộc sống ấm êm, hạnh phúc lứa đôi:

"Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương

Xây tổ ấm trên cành yêu đương"

Mùa xuân cũng gắn liền với mùa cưới, mùa uyên ương. Bởi khi đó thời tiết đẹp, khí hậu ấm áp, cành lá đâm chồi nảy lộc, chim muôn rộn rã... Vì thế, trong những lời chúc tụng đầu xuân, nhất định không thể thiếu lời chúc tụng "mừng đôi uyên ương" có một khởi đầu mới hạnh phúc, êm ấm. 

Và trong những ngày xuân hân hoan, nhất định phải có tiếng đàn, lời thơ vang ca rộn rã thì bức tranh xuân mới viên mãn:

"Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ

Tiếng thi ca nét chấm phá tô thêm đời mới"

Và sau cùng, nhạc sĩ Phạm Đình Chương tổng kết lại trong tất cả bằng niềm tin, hi vọng:

"Bạn hỡi, vang lên lời ước thiêng liêng

Chúc non sông hòa bình, hòa bình

Ngày máu xương thôi tuôn rơi

Ngày ấy quê hương yên vui

đợi anh về trong chén tình đầy vơi

Nhấc cao ly này

Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do

Nước non thanh bình

Muôn người hạnh phúc chan hòa

Ước mơ hạnh phúc nơi nơi

Hương thanh bình dâng phơi phới"

Ca khúc "Ly rượu mừng" của nhạc sĩ Phạm Đình Chương  thực sự là khúc xuân bất hủ, tươi vui như một thông điệp, lời chúc Tết tốt đẹp nhất theo truyền thống dân tộc, tới mọi thành phần, lứa tuổi trong xã hội. 

Lúc sinh thời, thi sĩ Du Tử Lê đã đánh giá về "Ly rượu mừng": “Tôi muốn gọi 'Ly rượu mừng' là xuân khúc kinh điển nhất của nền tân nhạc Việt Nam. Tính chất 'kinh điển' hiểu theo nghĩa không một thành phần nào của xã hội bị bỏ quên. Và, một cách ý thức, tác giả, đã sắp lại bậc thang giá trị của các thành phần xã hội, với lòng trân trọng, biết ơn của mình".

Xem thêm: "Thuở ban đầu" - giai điệu tình yêu trong trẻo hiếm hoi trong sự nghiệp sáng tác của Phạm Đình Chương 

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận