"Bông hoa cài áo": Từ nỗi nhớ mẹ trong tình cảnh ngục tù đến nhạc phẩm bất hủ
Khi tâm hồn vô tình chạm vào ý văn tuyệt đẹp trong đoản văn "Bông hồng cài áo", những tình cảm trìu mến dành cho mẹ bùng lên; đó là khởi đầu để nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đặt bút phổ nhạc tạo nên nhạc phẩm bất hủ "Bông hồng cài áo".
VỀ NHẠC PHẨM "BÔNG HỒNG CÀI ÁO"
- Tên ca khúc: Bông hồng cài áo
- Nhạc sĩ sáng tác: Phạm Thế Mỹ
- Thể loại: Nhạc vàng
- Đoản văn: Thích Nhất Hạnh
- Phổ nhạc: Phạm Thế Mỹ
- Năm ra đời: 1967
- Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Thái Thanh, Duy Khánh, Khánh Ly, Tuấn Ngọc...
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sở hữu hơn 100 nhạc phẩm với đa dạng thể loại như nhạc vàng, nhạc đỏ, nhạc kịch, nhạc phản chiến... Và trong kho tàng âm nhạc đồ sộ của ông không thể không nhắc đến những nhạc khúc về mẹ. Mà nổi tiếng nhất là "Bông hồng cài áo" - ca khúc được phổ nhạc từ đoản văn cùng tên của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Ca khúc "Bông hồng cài áo" ra đời như thế nào?
Khởi nguồn từ một đoản văn tuyệt đẹp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
"Bông hồng cài áo" là đoản văn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết vào năm 1962. Cũng từ tác phẩm này mà nghi thức mang tên "Bông hồng cài áo" trong dịp lễ Vũ Lan được ra đời.
Đoạn văn này nói về tình mẫu tử thiêng liêng nhưng vô cùng chân thật và ấm áp.Thiền sư Thích Nhất Hạnh có viết, vào ngày Vu Lan ta hay nghe giảng và đọc sách về ngài Mục Liên và sự hiếu đễ. Công cha, nghĩa mẹ và bổn phận của người làm con. Ta cũng lạy Phật cầu mong cho mẹ được sống lâu. Ta lạy mười phương tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi miền cực lạc nếu mẹ đã thác. Con mà không có hiếu thì bỏ đi nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có, không có tình thương thì hiếu chỉ là một sự dối trá. Có tình thương là có hết. Thương mẹ là đủ. Thương mẹ là cái gì rất tự nhiên, như khát nước thì muốn uống.
Theo giáo lý nhà Phật, đây là nghi thức không chỉ mang ý nghĩa Phật giáo mà còn mà một cách giáo dục sâu sắc về sự báo ân, báo hiếu của tất cả những người con dành cho cha mẹ mình. Đây cũng là đạo lý đẹp của người Việt Nam.
Đoản văn "Bông hồng cài áo" được đăng nguyên bài lần đầu tiên trong Tập san Liên Hoa của Giáo hội Tăng già Trung Phần, dưới tự đề là Nhìn kỹ mẹ. "Bông hồng cài áo" bắt đầu được chú ý trong giới Phật tử trẻ ở Sài Gòn lúc bất giờ. Các Phật tử đã chép "Bông hồng cài áo" thành hàng trăm bản, cho phổ biến ngay trong nội bộ đoàn Phật tử.
Vào lễ Vu Lan năm 1962, Đoàn sinh viên Phật tử Sài Gòn thực hiện nghi thức "Bông hồng cài áo" tại chùa Xá Lợi. Họ mời những người đến dự nếu còn mẹ cài bông hoa màu đỏ lên áo, nếu mất mẹ cài bông hoa màu trắng. Sự kiện này được ghi nhận là nghi thức "Bông hoa cài áo đầu tiên ở Việt Nam.
Ở Việt Nam, mùa Vua Lan rơi vào tháng 7 âm lịch, nhưng lễ Vu Lan diễn ra vào ngày rằm tháng 7. Trong ngày này, các Phật tử sẽ lên chùa, được các nhà sư cài lên ngực một bông hoa hồng. Bông hoa được cài lên ngực mang ý nghĩa vinh danh những người mẹ còn tại thế và tưởng nhớ những người mẹ đã qua đời.
"Bông hồng cài áo" được phổ nhạc trong hoàn cảnh ngục tù
Về hoàn cảnh ra đời của nhạc phẩm "Bông hồng cài áo", lúc sinh thời, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ từng chia sẻ rất chi tiết. Ông kể rằng, năm 1963, do tham gia phong trào đấuutranh của Phật giáo mà bị chính quyền cũ bắt giam một năm. Trong tình cảnh tù ngục, ông nghĩ về mẹ nhiều nhất. Ông nhớ mẹ vô cùng. Cho nên khi ra tù, tình cờ đọc được tập đoản văn "Bông hồng cài áo" của Thiền sư Thích Nhất Hạnh mà những tình cảm trìu mến dành cho mẹ bùng lên. Nhạc sĩ Thế Mỹ đã đặt bút phổ nhạc "Bông hồng cài áo". Ca khúc được được ra đời vào năm 1967.
Ông Sơn Huy - người học trò cũ của nhạc sĩ Phạm Thế Kỹ từng chia sẻ về kỷ niệm đặc biệt với tác giả của "Bông hồng cài áo": "Vào những năm đệ thất hay đệ lục (lớp 6,7), lúc đó tôi đang hát trong ban Tiếng Thùy Dương của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ ở Đà Nẵng. Vào một buổi chiều đến nhà nhạc sĩ để tập nhạc, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy thầy đang ngồi nghiêm vòng tay bên cạnh cây đàn piano quen thuộc trong góc nhà. Thấy tôi bước vào, thầy nói: 'Thầy có lỗi bị mẹ thầy phạt, vậy em đứng chờ đi, khi nào mẹ thầy tha thì thầy sẽ dạy em'. Ngay sau đó, mẹ thầy từ nhà sau bước ra và nói: 'Thôi học trò con đến rồi, mẹ tha cho con đó'. Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đứng dậy, nói: 'Con cảm ơn mẹ!". Hình ảnh cảm động đó đeo đuổi tôi suốt đời vì chỉ có tình yêu thương mẹ vô vàn, bằng tấm lòng quý mến vô biên thì nhạc sĩ Mỹ mới có thể viết ra được ca khúc Bông hồng cài áo".
Và chính ca sĩ Diệu Lý cũng từng chia sẻ lại lời của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ chia sẻ về mẹ. Bà nói, năm 1975 khi hai người kết hôn xong thì dọn về ở cùng mẹ nhạc sĩ Mỹ. Bà cảm thấy may mắn khi được sống chung với mẹ chồng trong những năm tháng cuối đời của mẹ. Cũng theo bà, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ vô cùng yêu mẹ. Ông từng nói, bà Diệu Lý là người may mắn thứ hai sau ông, bởi ông ông là người may mắn nhất. Vì ông đã viết được bài hát tặng mẹ đang còn sống. Mẹ được hưởng hạnh phúc đó trong lúc mẹ còn sống. Ông cho rằng, ông là người hạnh phúc nhất.
Qua lời kể của người học trò cũ và người vợ tào khang có thể thấy, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ là một người con vô cùng hiếu thảo. Ông tôn kính, yêu mến và luôn đặt mẹ ở vị trí quan trọng trong trái tim. Và có lẽ đây cũng là chất xúc tác để ông phổ ra nhạc phẩm bất hủ về mẹ - "Bông hoa cài áo".
Quay lại với đoản văn "Bông hồng cài áo" của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên từng nhận xét: Tác phẩm được viết với ngôn ngữ dung dị, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người.
Ở phần đầu, Thiền sư viết: "Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm trong tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không lớn lên được. Cằn cỗi, héo mòn".
Ngoài ra, cảm xúc bơ vơ, lạc lõng, không hơn gì trẻ mồ côi khi mất mẹ của thầy khiến người đọc đồng cảm. Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã bắt được tình ý đó để viết nên "Bông hoa cài áo".
"Tôi nghĩ giữa thầy Thích Nhất Hạnh và nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ có đồng cảm lớn. Vì thế, ca từ bài hát dễ đi vào lòng người", nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói.
"Một bông hồng cho em/ Một bông hồng cho anh/ Và một bông hồng cho những ai/ Cho những ai đang còn mẹ/ Đang còn mẹ dể lòng vui sướng hơn..." - mở đầu nhạc phẩm tự như lời nhắn nhủ đến những ai còn mẹ, nhắc nhở họ phải trân trọng từng phút giây.
"Rủi mai này mẹ hiền có mất đi/ Như đóa hoa không mặt trời/ Như trẻ thơ không nụ cười/ Ngỡ đời mình không lớn khôn thêm/ Như bầu trời thiếu ánh sao đêm" - Những lời ca này nhắc nhở chúng ta rồi sẽ đến lúc phải đối diện với sự thật - mẹ không còn nữa, cuộc sống sẽ mất đi nhiều phần ý nghĩa.
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ cũng khắc họa hình tượng mẹ bằng rất nhiều từ mang tính ẩn dụ như "dòng suối", "bóng mát", "trăng sao"...: "Mẹ, mẹ là dòng suối dịu hiền/ Mẹ, mẹ là bài hát thần tiên/ Là bóng mát trên cao/ Là ánh mắt trăng sao/ Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối". Và mẹ còn là "lọn mía ngọt ngào", mẹ là "nải chuối buồng cau"...
Ở phần cuối nhạc khác, tác giả Phạm Thế Mỹ nhắc nhở chúng ta về cách thể hiện tình yêu với đấng sinh thành: "Rồi một chiều nào đó anh về nhìn mẹ yêu, nhìn thật lâu/ Rồi nói, nói với mẹ rằng: Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ có biết hay không?/ Biết gì?/Biết là, biết là con thương Mẹ không?"
Từ đó cho đến nay, nhạc phẩm "Bông hồng cài áo" do Phạm Thế Mỹ phổ nhạc đã trở thành một ca khúc quan trọng trong mỗi dịp Vu Lan báo hiếu. Những người chắp cánh cho nhạc phẩm này đến gần với công chúng hơn là Miên Đức Thắng, Đăng Lan, Diệu Lý. Cả 3 ca sĩ này đều trưởng thành từ Đội văn nghệ Vạn Hạn.
Từ "Bông hồng cài áo" đến "bến duyên lành"
"Bông hồng cài áo" không chỉ là nhạc phẩm xuất sắc về Mẹ mà còn là cầu nối để nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ tìm được "bến duyên lành" cho cuộc đời mình.
Tự tình là như thế này: Sau khi thoát khỏi ngục tù Đà Nẵng, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ vào Sài Gòn phụ trách văn nghệ ở ĐH Vạn Hạnh. Tại đây, ông cho ra mắt nhiều nhạc phẩm cổ vũ thanh niên đô thị... Và cũng ở đây, ông tìm được mối lương duyên.
Trong đội văn nghệ của ĐH Vạn Hạnh có ca sĩ Diệu Lý (quê Quy Nhơn, Bình Định) hát rất hay ca khúc "Bông hồng cài áo". Sau nhiều lần biểu diễn "mẹ là lọn mía ngọt ngào, mẹ là nải chuối buồng cau", ca sĩ Diệu Lý mới biết tác giả là người thầy mà cô vẫn thường gặp ở trường.
Sự mến mộ cộng với tình đồng hương đã khiến ca sĩ Diệu Lý nảy nở tình cảm với vị nhạc sĩ đã có một đời vợ và hơn mình đến hơn 20 tuổi. Vượt qua mọi rào cản, hai người đến với nhau, họ có những hẹn hò trong văn phòng làm việc, trong khuân viên Đại học Vạn Hạnh. Chàng viết được câu nào thì đưa cho nàng hát câu đó. Cuộc hạnh ngộ của họ dạo ấy trở thành nguồn cảm hứng cho tâm hồn nhạc sĩ bay bổng hơn.
Năm 1975, hai người về chung một nhà. Hạnh phúc nhân đôi trở thành chất xúc tác để nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ viết nên nhạc phẩm "Bến duyên lành".
Xem thêm: Hoàn cảnh ra đời "Dã tràng ca" - nhạc phẩm "bí ẩn" nhất của Trịnh Công Sơn
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận