"Làng tôi" của nhạc sĩ Chung Quân: Từ nhạc nền cho phim đến ca khúc bất hủ về đề tài làng quê Việt Nam

Ca khúc "Làng tôi" có lẽ là cái bóng quá lớn trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Chung Quân. Bởi cứ nhắc đến Chung Quân là công chúng nghĩ ngay đến "Làng tôi".

Đỗ Thu Nga
7 ngày trước Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

CA KHÚC "LÀNG TÔI"

  • Tên ca khúc: Làng tôi
  • Sáng tác: Chung Quân
  • Thể loại: Nhạc quê hương
  • Năm ra đời: 1952
  • Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Quang Lê, Như Quỳnh...

Ca khúc "Làng tôi" của nhạc sĩ Chung Quân ra đời trong hoàn cảnh nào?

Nhạc sĩ Chung Quân (tên thật là Nguyễn Đức Tiến, 1936 - 1988) sinh ra tại Hà Nội nhưng lại cùng gia đình vào Nam định cư. Ông không phải là nhạc sĩ chuyên nghiệp mà là một thầy giáo dạy học. Khi chưa xuất dương du học, ông từng dạy nhạc. Khi có bằng tiến sĩ văn chương ở Anh, ông lại trở về nước tiếp tục nghề dạy học. 

Nhạc sĩ Chung Quân là một trong những người bộc lộ tài năng sáng tác từ khi còn rất ít tuổi. Năm 16 tuổi, ông đã chắp bút viết ra nhạc phẩm bất hủ mang tên "Làng tôi". Ca khúc này khi được phổ biến khiến ai cũng thích, từ người trẻ đến người già, từ thính giả ở nông thôn đến thành thị, từ trong nước đến Việt kiều nước ngoài. Giống như nhà thơ Nguyễn Bính từng nói, "Làng tôi" được tất thảy mọi tầng lớp công chúng ưa thích chứ không như nhiều nhà thơ trước cách mạng khác tuy cũng tài giỏi nhưng chỉ có một bộ phận độc giả nào đó hâm mộ. 

chuyen-it-biet-ve-ca-khuc-lang-toi-cua-nhac-si-chung-quan-0
Chân dung nhạc sĩ Chung Quân

Sau thành công của nhạc phẩm "Làng tôi", nhạc sĩ Chung Quân có sáng tác thêm một số ca khúc nữa nhưng không tạo ra được tiếng vang. Dường như "Làng tôi" là cái bóng quá lớn trong sự nghiệp của ông khiến cho những nhạc phẩm sau này hơi bị "lép vế".

Nói về hoàn cảnh sáng tác "Làng tôi", nhiều tư liệu ghi chép rằng ca khúc ra đời vào năm 1950. Đó là thời điểm đoàn hết Kim Chung của ông bầu Trần Viết Long (Hà Nội) lần đầu tiên có kế hoạch thực hiện bộ phim nhựa mang tên "Kiếp hoa". Cho đến nay, cuốn phim nhựa này đã đi vào lịch sử điện ảnh Việt Nam khi được xem là cuốn phim có thoại đầu tiên do người Việt Nam thực hiện.

Vào thời điểm sản xuất, để bộ phim thêm phần hấp dẫn, trang trọng và gây ấn tượng đến công chúng, công ty điện ảnh Kim Chung đã tổ chức cuộc thi sáng tác bài hát làm nền cho phim. Đề tài sáng tác là về quê hương, con người Việt Nam. Giải thưởng bằng hiện kim.

Cuộc thi này được thông báo đến rộng rãi công chúng. Người tham dự không phân biệt tuổi tác, chuyên nghiệp, hay nghiệp dư. Thời điểm đó có rất nhiều nhạc sĩ tên tuổi cũng như những người chưa thành danh đăng ký tham gia.

chuyen-it-biet-ve-ca-khuc-lang-toi-cua-nhac-si-chung-quan-8
Tờ bìa ca khúc "Làng tôi" của Chung Quân

Sau nhiều vòng chấm điểm, ban giám khảo đã bàn bạc, nhận xét, cân nhắc để đi đến kết quả cuối cùng: Ca khúc đạt giải nhất và được chọn làm nhạc nền là "Làng tôi" của tên tuổi mới toanh - Chung Quân.

Ban tổ chức cũng lý giải, ca khúc "Làng tôi" của Chung Quân được chọn vì nó mang hơi thở vùng quê bình yên. Phần lời cũng mộc mạc, dung dị, thấm đẫm tình cảm của người dân Việt Nam. Nhờ giai điệu du dương, thắm thiết tình người và tình quê mà trong tâm tưởng của ai ai cũng có. 

Và những lời nhận xét của ban giám khảo đã được chứng minh bằng sức sống trường tồn suốt gần 7 thập kỷ qua của ca khúc "Làng tôi".

 "Làng tôi có cây đa cao ngất tầng xanh…"

Trong lịch sử âm nhạc hiện đại Việt Nam, có 3 ca khúc cùng mang tên "Làng tôi". Đáng nói, cả 3 ca khúc đều ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đều nổi tiếng (hai bài còn lại là của Văn Cao và Hồ Bắc). 

Năm 1952, đã có hai bài "Làng tôi" như đã nói. Đầu tiên là "Làng tôi" của nhạc sĩ đại tài Văn Cao. Ông sáng tác khi đã có trong tay gia tài âm nhạc đồ sộ. Trong khi Chung Quân vẫn chỉ là một cậu thiếu niên vô danh, không ai biết đến. Nhờ vai trò ca khúc nền cho phim "Kiếp Hoa" mà "Làng tôi" của Chung Quân được phổ biến rộng rãi. Và thế là, sau khi phim chiếu được một thời gian, bài hát nhanh chóng lan tỏa khắp mọi nơi. Đâu đâu người ta cũng hát "Làng tôi có cây đa cao ngất tầng xanh..". Sự nổi tiếng, sức thuyết phục của ca khúc này đã chứng minh, nó không thua kém gì hai bài hát cùng tên của Văn Cao và Hồ Bắc.

Không chỉ có công chúng mọi tầng lớp mà cả các nhạc sĩ tên tuổi cùng giới văn nghệ sĩ thời đó cũng phải gật gù công nhận bản nhạc "Làng tôi" của Chung Quân xứng đáng nhận được giải nhất cuộc thi chọn ca khúc nhạc nền cho phim "Kiếp hoa".

chuyen-it-biet-ve-ca-khuc-lang-toi-cua-nhac-si-chung-quan-5
Lời bài hát "Làng tôi" của nhạc sĩ Chung Quân

Nhắc về một số hình ảnh tiêu biểu của làng quê Việt Nam trong "Làng tôi", một người quen của nhạc sĩ Chung Quân từng kể: Ông sinh ra ở thôn Bình An, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ngày ấy, nơi đây chưa là đất của thủ đô mà thuộc địa phận huyện Đa Phúc, tỉnh Phúc Yên (trước 1954, Vĩnh Yên và Phúc Yên là hai tỉnh, sau đó mới sáp nhập thành Vĩnh Phúc). Trong thời kỳ chống Mỹ từng hợp nhất với Phú Thọ thành Vĩnh Phú. Sau này lại tách thành tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Địa giới hành chính này được giữ đến ngày nay.

Người bạn của cố nhạc sĩ cũng kể, ở quê có cầu Đa Phúc bắc qua sông Cầu (ngày nay là ranh giới giữa Thủ đô Hà Nội và Thái Nguyên). Ở đầu cầu thuộc phía Hà Nội có cây đa to, tỏa bóng xum xuê, có sông Cầu lững lờ chảy cùng những ngôi nhà "mái tranh san sát kề nhau" với những "lũy tre xanh bên những hàng cau".

Người này khẳng định, nhạc sĩ Chung Quân viết về chính quên mình. Hiện nay, cây đa đã bị chặt (hoặc chết), mái nhà tranh cũng đã bị thay thế bằng nhà gạch, lũy tre làng không còn nữa. Giờ đây chỉ còn con sông Cầu "lờ lững vờn quanh" mà thôi.

Như đã chia sẻ bên trên, nhạc sĩ Chung Quân sinh ra ở ngoài Bắc nhưng lại định cư trong miền Nam. Lúc sinh thời, ông có thổ lộ rằng đến cuối đời sẽ trở ra Bắc sống ở quê. Nhưng tâm nguyện này chưa kịp đạt được thì ông sớm qua đời tại TP Hồ Chí Minh khi mới 52 tuổi - độ tuổi sung mãn, chín nhất đối với sự nghiệp của một người đàn ông, nhất là làm nghề cầm bút.

Xem thêm: Hoàn cảnh sáng tác 3 ca khúc trùng tên "Làng tôi"

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận