NSND Bảy Nam: Một đời quá đỗi vinh quang nhưng cũng lắm thăng trầm của "tổ nghề" cải lương

NSND Bảy Nam được mệnh danh là "tổ nghề" bộ môn cải lương, để lại vô số vở diễn đi vào hàng "bất hủ".

Chi Nguyễn
08:00 10/10/2024 Chi Nguyễn
Âm nhạc
Nguồn: Internet

HỒ SƠ - TIỂU SỬ NGHỆ SĨ BẢY NAM

  • Tên thật: Lê Thị Nam.
  • Nghệ danh: Bảy Nam.
  • Ngày sinh: 10/07/1913 - Ngày mất: 18/08/2004.
  • Quê quán: Tiền Giang.
  • Nghề nghiệp: Soạn giả, diễn viên.
  • Danh hiệu (nếu có): Nghệ sĩ ưu tú (NSUT) năm 1988, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) năm 1993).
  • Thời gian hoạt động: 1927 - 1997.

NSND Bảy Nam là ai? 

NSND Bảy Nam tên thật là Lê Thị Nam, sinh năm 1913 ở Tiền Giang. Bà là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất của bộ môn cải lương và kịch nói Việt Nam. NSND Bảy Nam được ví là "tổ nghề bộ môn cải lương", bên cạnh nghệ sĩ Phùng Há.

NSND Bảy Nam được giới chuyên môn đánh giá cao, được coi là một nghệ sĩ toàn tài của nền nghệ thuật. Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai từng nhận xét về bà như sau: "Nghệ sĩ sân khấu, nếu thật sự là nghệ sĩ tài năng, là bảo vật vô giá của nhân loại, không vàng ngọc nào sánh được. Nghệ sĩ Bảy Nam là một trong số quí hiếm ấy".

nsnd-bay-nam-la-ai-va-nsnd-bay-nam-noi-tieng-the-nao
NSND Bảy Nam

NSND Bảy Nam không chỉ là một nhà soạn giả đại tài, mà bà còn là một diễn viên, nhà quản lý, trưởng đoàn, bầu nữ, tác giả thành công. Năm 1988, bà được phong tặng danh hiệu NSƯT; và đến năm 1993 thì được phong tặng danh hiệu NSND. Ngoài ra, bà cũng là mẹ của NSND Kim Cương - "kịch nữ" hay "kỳ nữ" nức tiếng một thời.

NSND Bảy Nam và những điều ít người biết về đời tư

Những ngày thơ ấu của bà Bảy Nam

NSND Bảy Nam sinh ra trong một gia đình đông con ở Tiền Giang. Cha mẹ bà có tới 11 người con, bà là người con thứ 7 nên được gọi là Bảy Nam. Cha của bà họ Lê tên Công, làm kỹ sư cầu cống. Ông vốn là người thích chữ nghĩa, nên đã đặt tên 11 người con theo câu nói "Công Thành Danh Toại, Phỉ Chí Nam Nh, Bia Truyền Tạc Để".

Tuy nhiên, vì ông là dân tri thức, nên rất ghét giới nghệ sĩ, gọi là "xướng ca vô loài". Nào ngờ, cô con gái thứ 7 của ông lại mê mệt sân khấu, cứ ngân nga và nhảy múa suốt ngày. Khi ông phát hiện thì Bảy Nam bị đánh đòn rất nặng, nhưng cô bé vẫn luôn say mê nghề ca hát như thế. 

nsnd-bay-nam-la-ai-va-nsnd-bay-nam-noi-tieng-the-nao
NS Năm Phỉ và NSND Bảy Nam là hai chị em

Cũng may, mẹ của Bảy Nam rất thương con, đã giúp con trốn nhà theo gánh hát khi mới 10 tuổi. Đó là chưa kể, sau này nhiều anh chị em của bà cũng theo nghề ca hát, trở thành nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Ba Danh, Năm Phỉ, Chín Bia, Mười Truyền,...

Chuyện tình duyên của nữ soạn giả cải lương Bảy Nam

Tuy có sự nghiệp thành công rực rỡ, nhưng chuyện đời tư của NSND Bảy Nam lại "ba chìm bảy nổi". Ông Nguyễn Phước Cương, bầu gánh hát Phước Cương vốn là chồng của nghệ sĩ Năm Phỉ, chị gái của Bảy Nam. Sau này, hai vợ chồng họ li dị, một thời gian sau thì ông Cương lại tái hôn với bà Bảy Nam.

Nói về mối tình này cũng có nhiều điều thú vị. Bản thân ông Cương là người khá đào hoa, còn vợ cũ ông là bà Năm Phỉ cũng khá cởi mở trong chuyện tình cảm. Năm 1935, ông đưa vợ sang đấu xảo ở Paris, tại đây bà Phỉ dành giải nhất. Khi trở về nước, sẵn vinh quang vừa đạt được, lại ngao ngán cuộc đời nay đây mai đó, bà liền nghĩ cách dứt áo ra đi.

Cả hai quyết định ly dị, sau đó bà Năm Phỉ lại cố công se duyên cho chồng cũ cùng em gái Bảy Nam. Bảy Nam vốn ngưỡng mộ ông bầu Cương từ lâu, biết rằng chị mình tìm người thay thế cho chồng cũ nhưng vẫn thuận lòng. Ông Cương vốn là người khoáng đạt, không quá nặng lòng với tình cũ nên cũng nhẹ nhàng đón nhận mối duyên mới này.

nsnd-bay-nam-la-ai-va-nsnd-bay-nam-noi-tieng-the-nao
NSND Bảy Nam và chồng là ông bầu Nguyễn Phước Cương

Dù cả hai đến với nhau muộn màng, nhưng cả ông Cương lẫn bà Bảy Nam đều dốc hết lòng vì mối tình ấy. Ông bầu không ngần ngại khen ngợi vợ, gợi ý soạn giả viết vai diễn phù hợp với vợ hay đứng ra đòi lại công bằng cho bà. Bà Bảy Nam cũng hiểu tính chồng, không sửa soạn rực rở như nhiều đào hát khác, mà luôn vun vén, chăm sóc gia đình.  Bà không ngại việc đẻ con liên tiếp ảnh hưởng đến sự nghiệp ca hát, mà thỏa tâm nguyện cho chồng hằng mong có con cái ẵm bồng, cưng nựng.

Hai vợ chồng có nhiều người con, là minh chính cho mối tình hạnh phúc của họ. Đó là cô con gái đầu lòng Kim Cương tài năng, nhân hậu, hiếu thảo hay Kim Quang tháo vát, Ngọc Thố lương thiện... Đau lòng thay, một người con trai của họ lại không may sốt cao, rồi qua đời giữa rừng cao su. Thương vợ, ông Cương cùng các anh em trong gánh hát đồng lòng đi biểu diễn khắp nơi, để bà Bảy Năm nguôi ngoai nỗi lòng.

Khi nữ nghệ sĩ dần vơi đi nỗi đau mất con, chồng bà lại lâm bệnh nặng. Đương lúc ông Cương hấp hối, họ lại bị chủ rạp xua đuổi, ngó lơ tình nghĩa bao năm qua. May mắn người quen hay tin đến đưa chồng bà về tịnh dưỡng ở chùa, nhưng ông bầu Cương cũng qua đời ngay sau đó.

nsnd-bay-nam-la-ai-va-nsnd-bay-nam-noi-tieng-the-nao
NSND Bảy Nam và các con là Kỳ nữ Kim Cương, Kim Quang và Ngọc Thố

Sau 9 năm kể từ ngày chồng qua đời, NSND Bảy Nam tái hôn với ông lục sự Phạm Hữu Điệc. Ông Điệc là con trai của một gia đình điền chủ giàu có ở Bà Rịa, rất yêu thương và giúp đỡ bà rất nhiều. Ông đã bỏ ra nhiều tiền của giúp bà lập nhiều gánh hát, thỏa lòng đam mê ca hát. 

Người chồng thứ hai này còn giúp đỡ bà vào tận rừng sâu cải táng mộ cho chồng cũ là ông Nguyễn Phước Cương, đem từ tận Phan Thiết về Sài Gòn. Cả hai sống với nhau đến năm 1988, rồi ông Điệc qua đời do tuổi cao sức yếu.

Sau khi chồng mất, NSND Bảy Nam đứng ra lo liệu đoàn kịch cho con gái Kim Cương. Nữ nghệ sĩ cũng kiêm  nhiệm vụ "cố vấn nghệ thuật", đóng luôn những vai bà mẹ tuyệt vời trong các vở kịch của con gái. NSND Kim Cương từng kể: "Tuồng nào tôi cũng đọc cho má nghe, rồi má góp ý, bổ sung. Ơn má không bút nào tả hết".

NSND Bảy Nam và sự nghiệp nghệ thuật rực rỡ

NSND Bảy Nam thuở mới vào nghề

NSND Bảy Nam cũng đam mê ca hát và diễn xuất như chị gái của mình, nghệ sĩ Năm Phỉ. Cha của bà đã "rút kinh nghiệm" từ cô con gái trước là Năm Phỉ, nên càng quyết tâm ngăn cản đứa con gái này theo chân gánh hát. Ông tìm mọi cách giữ chân bà, thậm chí còn đưa bà theo mỗi khi mình đi công tác xa. 

Sau khi ông Công mất, anh trai của bà Bảy Nam lại càng quản lý em gái chặt chẽ. Ngày nào ông cũng kiểm tra tập vở, rồi vặn hỏi lịch học,... Nào ngờ, ngay cả đi bị "ép" đến trường, Bảy Nam vẫn cháy bỏng đam mê ca hát, cùng bạn bè xúm lại tập tuồng, cải lương. Bà say mê tập ca hát và diễn xuất đến mức bỏ bê cơm nước, thành tích học hành thì đương nhiên là... đội sổ.

nsnd-bay-nam-la-ai-va-nsnd-bay-nam-noi-tieng-the-nao
Tạo hình NSND Bảy Nam trong một vở tuồng cổ

Vì thương con, mẹ của bà đã dốc lòng ủng hộ đam mê nghệ thuật của Bảy Nam. Cơ hội của bà đến sau khi chị gái Năm Phỉ theo đoàn hát về quê biểu diễn, và mẹ bà đã dẫn con đi xem. Đúng hôm đó, cô đào phụ trong gánh hát bỏ trốn đi đâu mất, mọi người vội vàng đưa Bảy Nam lên thế vai.

Nào ngờ, vai diễn đầu tiên đó của cô bé Bảy Nam lại vô cùng thuyết phục, được khán giả khen ngợi hết lời. Thế là, mẹ bà yểm trợ, giúp con gái bỏ nhà đi theo chị, tham gia đoàn hát. Được sống với đam mê, nên dù có vất vả đến mấy nữ nghệ sĩ vẫn cảm thấy hạnh phúc.

NSND Bảy Nam và hành trình trở thành nghệ sĩ cải lương vĩ đại

NSND Bảy Nam không chỉ là một nghệ sĩ cải lương nức tiếng, mà bà còn là một trong những soạn giả cải lương thành công nhất. Đặc biệt, bà chính là nữ soạn giả cải lương đầu tiên của Việt Nam, là người đã chắp bút ra vô số vở cải lương đi vào hàng "bất hủ".

Lật trở lại lịch sử, thì thời điểm mà bà Bảy Nam bắt đầu viết kịch bản là khi bà mới 19-20 tuổi. Lúc bấy giờ, sau vài năm đi hát, bà tích cóp được một khoản tiền lớn, và quyết định mở gánh hát của riêng mình. Năm 1932, gánh hát Nam Hưng được thành lập, là kết tinh từ lòng yêu nghề, máu hiếu thắng tuổi trẻ của nữ nghệ sĩ Bảy Nam.

nsnd-bay-nam-la-ai-va-nsnd-bay-nam-noi-tieng-the-nao
Một số bức ảnh hiếm của NSND Bảy Nam

Bà mạnh tay chi tiền mời ông thầy tuồng nổi tiếng người Quảng Đông về dạy vũ đạo cho anh em trong gánh, chưa kể còn thuê một căn biệt thự lớn để các nghệ sĩ sinh hoạt, tập luyện. Bảy Nam cũng không ngại ngần gì chuyện tiền nong, trả luôn tiền ăn cho anh em, rồi đưa ra mức cát-xê hậu hĩnh. Không chỉ là diễn viên của gánh hát, bà còn đảm nhiệm luôn vai trò bầu sô, ngoại giao, lên ý tưởng và thậm chí là viết kịch bản.

Tất nhiên, gánh hát Nam Hưng có soạn giả viết kịch bản, nhưng Bảy Nam lại ấp ủ nhiều ý tưởng của riêng mình. Thế là, nữ nghệ sĩ bắt tay vào viết những vở cải lương đầu tiên. NSND Kim Cương, con gái của bà về sau có chia sẻ rằng: "Theo các giấy tờ má còn để lại, tôi soạn ra xem, thì má bắt đầu viết khoảng năm 1935 - 1936. Hồi đó gánh nào cũng hát tuồng Tàu nhiều lắm, nên má viết Chung Vô Diệm, Trảm Trịnh Ân, Tiêu Anh Phụng, Điều Tam Xuân báo phu cừu....".

Những kịch bản được viết bởi soạn giả Bảy Nam rất được khán giả yêu thích, giới chuyên môn cũng hết lời khen ngợi. Bà không chỉ viết những kịch bản tuồng Tàu, mà còn viết tuồng sử Việt nồng nàn lòng yêu nước như "Mánh Lê Tắc", "Gươm vàng máu đỏ", "Lê Lợi khởi nghĩa",... 

nsnd-bay-nam-la-ai-va-nsnd-bay-nam-noi-tieng-the-nao
NSND Bảy Nam và con gái là NSND Kim Cương trong vở "Lá sầu riêng"

Đáng nói, không chỉ viết tuồng Tàu, tuồng sử, NSND Bảy Nam còn viết cả tuồng xã hội từ khi loại hình ấy mới manh nha. Hai vở tuồng "bất hủ" của bà thuộc thể loại này là "Nỗi đau lòng mẹ" và "Người đàn bà Việt Nam". Những vở kịch của bà mang màu sắc châm biếm hài hước, yếu tố khá mới mẻ so với kiểu viết "chính kịch" lúc bấy giờ.

NSND Kim Cương nhớ lại: "Bây giờ thời thế đổi thay, phụ nữ đi làm, đàn ông nội trợ có khi thấy bình thường, chứ hồi đó là chuyện kinh khủng lắm, nói chi tới việc muốn nói chuyện với vợ phải bỏ tiền thuê theo giờ. Chính vì má tôi đã đánh đúng vào phong trào nữ quyền, tìm lối ra cân bằng cho phụ nữ, mà vở tuồng được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt".

Không chỉ dừng lại ở đó, NSND Bảy Nam còn sở hữu nhiều kỷ lục đáng nể. Bà được công nhận là nữ soạn giả cải lương đầu tiên của Việt Nam, được ví như "tổ nghề của bộ môn cải lương". NGoài ra, bà cũng là nữ diễn viên Việt Nam đầu tiên được hãng Intermondial Film (Pháp) mời đóng phim. Bà vào vai một cô thôn nữ Việt Nam trong bộ phim "Mort en fraude" của đạo diễn Marcel Camus. Từ vai diễn này, sau đó NSND Bảy Nam còn đảm nhận nhiều vai diễn khác nhau. Nữ nghệ sĩ tham gia nhiều bộ phim nhựa, từng vai diễn đều để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Một số bộ phim mà bà tham gia là "Hoa lục bình", "Ngọn cỏ gió đùa", "Về nguồn", "Một thoáng đam mê"…

nsnd-bay-nam-la-ai-va-nsnd-bay-nam-noi-tieng-the-nao
Bảy Nam vào vai cô thôn nữ Việt Nam trong bộ phim "Mort en fraude"

Sau năm 1975, NSND Nam Bảy vẫn miệt mài đi diễn, lại nhiệt tình tham gia các công tác từ thiện. Người phụ nữ nhỏ thó ấy mạnh mẽ vẫy vùng trong cái nghiệp sân khấu của mìng, lại lặng lẽ xử lý tất cả gian khó mà không hề than thở. Thành công là thế, nhưng nữ nghệ sĩ luôn giữ cái tâm khiêm tốn. Bà từng nói: "Nghề hát không phải là một nghề như buôn bán, và nếu nhờ đi hát mà có cơm ăn áo mặc thì cũng chỉ là chuyện thứ yếu mà thôi... Riêng tôi cảm nhận một tiếng rất hợp lòng mình, đó là cái nghiệp".

Những ngày cuối đời, tuy rằng sức khỏe cứ sa sút dần, nhưng NSND Nam Bảy vẫn tỉnh táo lạ thường, đau đáu nhớ về sân khấu. Bà thều thào đọc lời thoại của các vở tuồng, kịch, rồi nghĩ ngợi đến chuyện kiếp sau. Nữ nghệ sĩ nói với con gái là NSND Kim Cương rằng: "Kiếp sau có đầu thai lại, cũng xin làm nghệ sĩ. [...] Đâu có, nghệ sĩ mới sướng chớ con. Nghề gì thì cũng chỉ làm hoài có một thứ, còn làm nghệ sĩ thì má được làm vua nè, rồi làm quan, làm nông dân, buôn bán... Đủ hết. Không có chán".

Năm 1988, NSND Nam Bảy được trao tặng danh hiệu NSƯT. Đến năm 1993, bà tiếp tục được phong tặng danh hiệu NSND. Khi bà lâm bệnh nặng, bạn bè, đồng nghiệp và cả cán bộ cấp cao đều dành thời gian ghé thăm. Có NSND Phùng Há, tuy rằng tuổi cũng cao, sức yếu, vẫn leo từng ấy bậc thang để thăm nom người bạn già.

nsnd-bay-nam-la-ai-va-nsnd-bay-nam-noi-tieng-the-nao
NSND Bảy Nam vẫn miệt mài đi diễn tới cuối đời

NSND Kim Cương kể lại rằng: "Hai bà ngồi ôm nhau, ốm nhom như hai bộ xương. Tôi có chụp hình, nhưng không dám đưa cho ai xem. Nói thật, nghệ sĩ ngày xưa chỉ được coi là xướng ca vô loài, đem hết ruột gan cống hiến cho đời, khi già bệnh không ai quan tâm, sống vất vưởng, có khi chết bờ chết bụi. Còn bây giờ, Nhà nước lo lắng như thế, lại phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT, vinh hạnh biết bao nhiêu. Món nợ này làm sao trả nổi".

Nữ soạn giả vĩ đại, một trong những "bà tổ" của cải lương Việt Nam qua đời vào lúc 12h50, ngày 18/08/2004. Bà đã cố 70 năm miệt mài theo đuổi nghệ thuật, chỉ dừng lại khi đã giã biệt trần thế. Di sản của bà gồm có 20 vở tuồng, kịch và một cuốn hồi ký về cuộc đời sân khấu của bà. Quả thực, NSND Bảy Nam đã để lại nhiều bài học cho thế hệ cải lương về sau, và đặc biệt là cho con gái thân yêu - "kỳ nữ" NSND Kim Cương nức tiếng. Bà ra đi thanh thản, không có sự u sầu, không một lời than thở, chỉ có nụ cười đôn hậu quên cả thời gian...

NSND Bảy Nam và những hình ảnh hiếm trong cuộc đời, sự nghiệp

nsnd-bay-nam-la-ai-va-nsnd-bay-nam-noi-tieng-the-nao
nsnd-bay-nam-la-ai-va-nsnd-bay-nam-noi-tieng-the-nao
NSND Bảy Nam và các con
nsnd-bay-nam-la-ai-va-nsnd-bay-nam-noi-tieng-the-nao
NSND Bảy Nam trong vai Chung Vô Diệm
nsnd-bay-nam-la-ai-va-nsnd-bay-nam-noi-tieng-the-nao
nsnd-bay-nam-la-ai-va-nsnd-bay-nam-noi-tieng-the-nao
NSND Bảy Nam tiễn đưa Kỳ nữ Kim Cương sang Pháp năm 1965
nsnd-bay-nam-la-ai-va-nsnd-bay-nam-noi-tieng-the-nao
NSND Bảy Nam cùng nghệ sĩ Thanh Việt trong phim "Ngọn cỏ gió đùa"
nsnd-bay-nam-la-ai-va-nsnd-bay-nam-noi-tieng-the-nao
NSND Bảy Nam chụp ảnh tại Versailles
nsnd-bay-nam-la-ai-va-nsnd-bay-nam-noi-tieng-the-nao
NSND Bảy Nam và NSƯT Thành Lộc

Xem thêm: Nghệ sĩ Năm Sa Đéc: Đời nhiều thăng trầm của nghệ sĩ cải lương nức tiếng một thời

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận