Hoàn cảnh ra đời ca khúc "Lòng mẹ": Dạt dào tình yêu thương người mẹ tảo tần

Ca khúc "Lòng mẹ" là một sáng tác của nhạc sĩ Y Vân, với những ngôn từ mộc mạc, đơn sơ nhưng lại vô dùng da diết, sâu sắc và đậm chất thơ.

Chi Nguyễn
16:20 31/05/2024 Chi Nguyễn
Âm nhạc
Nguồn: Internet

VỀ CA KHÚC LÒNG MẸ

  • Tên ca khúc: Lòng mẹ
  • Nhạc sĩ sáng tác: Y Vân
  • Thể loại: Trữ tình
  • Nằm trong album: Không rõ.
  • Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Giao Linh, Thái Thanh, Khánh Ly

Hoàn cảnh ra đời ca khúc Lòng mẹ

Ca khúc "Lòng mẹ" được lấy cảm hứng từ chính người mẹ tảo tần, phải chịu nhiều vất vả của Y Vân. Theo chia sẻ của người em trai, thời điểm đó, Y Vân đang làm nhạc công chơi tại các nhà hàng ở Sài Gòn, kiếm tiền nuôi mẹ và hai em. Mẹ ông ở nhà buôn bán, hằng đêm tới máy nước công cộng giặt quần áo.

Một lần nọ, Y Vân đi làm về muộn, gặp mưa ướt áo. Lúc đó, tuy đã 2 giờ sáng, mẹ ông vẫn mang áo ra vòi nước giặt và bị quân cảnh "hỏi thăm" vì đó là giờ giới nghiêm. Khi được tha về, bà vẫn còn lấy nhang hơ cho áo của ông mau khô.

Sáng hôm sau, Y Vân biết được chuyện này thì rất xúc động, ông đã khóc và lập tức sáng tác bài hát Lòng mẹ. Ngay khi hoàn thành ca khúc này, ông đã hát cho mẹ nghe, khiến bà vô cùng xúc động. Vốn dĩ, Y Vân mồ côi cha từ nhỏ, hình ảnh người mẹ tảo tần vất vả nuôi đàn con thơ đã luôn khắc sâu vào trí nhớ ông từ bé. Nỗi lòng yêu thương xót xa ấy luôn âm ỉ, và đến khi sự việc kia xảy ra thì ông đã dốc lòng viết nên ca khúc bất hủ này.

Ca khúc Lòng Mẹ sau đó đã được rất nhiều ca sĩ khác thể hiện lại, rất được khán giả yêu mến. Tuy nhiên, để nói về ca sĩ tiêu biểu nhất, phải kể đến danh ca Giao Linh. Bà đã hát ca khúc Lòng mẹ trong album Giao Linh 8: Đệm Ru Tiếng Nhớ, và bài hát này đã thành công đến mức gắn liền với tên tuổi của bà.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-long-me-cua-y-van

Giao Linh là nữ ca sĩ nhạc vàng có chất giọng và phong cách trầm buồn đặc trưng. Thời bấy giờ, bà được ngợi ca là "Nữ hoàng sầu muộn" bởi chất giọng âm trầm, vang vọng, cùng cách thể hiện da diết, u sầu.

Lòng mẹ - Khúc ca sâu sắc thấm đượm tình yêu thương dành cho mẹ

Ca khúc Lòng Mẹ có giai điệu nhẹ nhàng, trầm lắng cùng những ca từ đơn sơ và mộc mạc, thuộc thể loại nhạc trữ tình. Quả thực, khi nói về người mẹ Việt Nam, chưa cần dùng những ngôn từ hoa mỹ xa vời, chỉ những từ ngữ giản dị, thân thuộc cũng đã đủ khiến người nghe phải xúc động.

Nhạc sĩ Y Vân so sánh tình mẹ với những hình ảnh quen thuộc đời thường: "Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào/Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào/Lời mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào/Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu".

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-long-me-cua-y-van

Lắng nghe ca khúc Lòng mẹ, ta không khỏi xúc động, lại đôi phần xót xa trước những niềm vui nhỏ nhặt của người mẹ. Mẹ thương xót biết bao khi biết "con thao thức bao đêm trường", lại vui sướng làm sao khi biết "con đà yên giấc". Dẫu cho mưa gió mịt mù, dẫu cho trăm ngàn vất vả, mẹ hiền vẫn "một sương hai nắng" chăm sóc con lớn khôn.

Y Vân đã khắc họa nỗi lòng người mẹ bao la làm sao, vĩ đại làm sao, khiến cho không chỉ con người mà cả cảnh vật cũng phải lặng im ngưỡng mộ. "Lòng mẹ chan chứa trên bao xóm làng gần xa/Tình mẹ dâng tới trăng ngàn đứng lặng để nghe/Lời ru xao xuyến núi đồi suối rừng rặng tre/Sóng ven Thái Bình im lìm khi tiếng mẹ ru".

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-long-me-cua-y-van-2

Xuyên suốt bài hát là những hình ảnh rất đỗi bình thường, quen thuộc, tựa như tình mẹ dành cho con thật tự nhiên và sâu lắng làm sao. Vì con, mẹ sẵn sàng hi sinh hạnh phúc của mình, nguyện cả đời chăm sóc, yêu thương con. Những lời ca dạt dào, tha thiết này quả thực chỉ phù hợp với giọng nữ, nên hầu như những phiên bản thành công nhất là do các nữ ca sĩ thể hiện. Những nữ danh ca đã thành công thu âm ca khúc này phải nhắc tới Thái Thanh, Khánh Ly, Hương Lan, Giao Linh,...

Lòng mẹ - Cũng là chữ hiếu Y Vân dành cho người mẹ tảo tần

Vốn dĩ, cảm hứng để nhạc sĩ Y Vân viết nên ca khúc da diết này là chính người mẹ của mình. Theo chia sẻ của những người thân chung quanh, ông là một người rất tình cảm, luôn có trách nhiệm với gia đình.

Bà Minh Lâm, vợ sau của Y Vân từng kể lại với báo giới rằng: "Có nhiều bài báo viết về Y Vân không đúng sự thật, như gán cho anh ấy là một người đa tình. Thực ra anh ấy là một người luôn có trách nhiệm: hiếu kính với mẹ, yêu thương vợ con và rất thật thà, có gì cũng kể với tôi, như chuyện vì sao anh ấy lấy nghệ danh là Y Vân, hoặc khi anh ấy viết bài hát Khi anh nhìn em là nhớ đến đôi mắt của một em gái phục vụ trong một quán bi-da rồi phát triển thành ca khúc. Thế thôi, đâu có gì to tát...".

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-long-me-cua-y-van-6

Bà cũng kể rằng, để có tiền chăm lo gia đình, ông làm việc rất chăm chỉ bất kể ngày đêm. Khi thì Y vân cộng tác với đoàn ca nhạc Hương miền Nam, khi lại nhận viết nhạc cho nhiều hãng, viết nhạc phim, nhạc nền,... Có lẽ trời thương, nên khi đó ông được vô số đơn đặt hàng, gia đình khá hơn hẳn, xây được nhà mới.

Thế nhưng, vào năm 1992, ông đột ngột qua đời. Bà Mai Linh xót xa chia sẻ: "Dạo ấy quan tài của anh được quàn tại Hội Âm nhạc TP.HCM, mẹ chồng tôi đã không hề khóc một tiếng. Có lẽ tất cả nước mắt để khóc thương con, bà cụ đã âm thầm nuốt ngược vào trong. Chúng tôi nghe bà cụ nói: '“Người ta thường bảo: Con 'đi' trước mẹ là bất hiếu, nhưng mẹ chẳng trách con đâu, bởi con đã làm tròn chữ hiếu ngay từ lúc viết xong bài Lòng mẹ'...".

Về sau, mẹ của nhạc sĩ Y Vân có tham gia Đêm nhạc Y Vân, tưởng nhớ 100 ngày mất của ông, tổ chức ở Nhà Văn hóa Thanh Niên. Sau đó khoảng 1 năm, bà cụ cũng từ trần, có lẽ là vì tuổi già, hoặc cũng có thể quá xót thương người con trai.

Nhạc sĩ Y Vân là ai?

Nhạc sĩ Y Vân (1932 - 1992) tên thật là Trần Tấn Hậu, là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam. Em trai ông tên là Y Vũ, cũng là một nhạc sĩ. 

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-long-me-cua-y-van
Nhạc sĩ Y Vũ chơi đàn bass cùng nhạc sĩ Thanh Thoại chơi piano

Thời niên thiếu, ông học nhạc từ giáo sư kiêm nhạc sĩ Tạ Phước, cũng tập tành sáng tác từ sớm. Hoàn cảnh nhà ông khi đó rất khó khăn, cha mất sớm, mấy mẹ con phải nương náu trong một túp lều xiêu vẹo nằm ở ngõ chợ Khâm Thiên. Ông rất thương mẹ và các em, thường đi dạy đàn để kiếm tiền nuôi gia đình.

Năm 1954, ông vào Nam, vẫn tiếp tục công việc sáng tác, hòa âm cũng như dạy nhạc, còn thêm cả viết sách dạy nhạc và đàn ghita. Lúc sinh thời, ông đã sáng tác được số lượng ca khúc đồ sộ, nhiều ca khúc đã trở thành bất hủ. Trong đó, phải kể đến ca khúc "Lòng mẹ", được sáng tác vào năm 1955.

Xem thêm: Hoàn cảnh ra đời ca khúc "Chuyện loài hoa dang dở": Lời tiễn biệt mối tình lỡ dở bên loài hoa pensee "hãy nhớ về tôi"

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận